Cuộc đua “cho vay để trả nợ ngân hàng khác” với lãi suất thấp hơn đã và đang diễn ra trong những ngày đầu tháng 9 sau khi Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức có hiệu lực. Ngân hàng nhỏ đang chịu áp lực khi các ngân hàng lớn thuộc Big4 đáng chiếm ưu thế.
Không chỉ tại các ngân hàng cổ phần, các “ông lớn” Big4 cũng tham gia khiến cuộc đua về lãi suất giữa các ngân hàng ngày càng “nóng” hơn.
Ba ông lớn Vietcombank, BIDV và VietinBank đã triển khai những gói lãi suất hấp dẫn, chỉ từ 5,6%/năm cho các khoản vay ngắn hạn. Một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn như MB hay Techcombank cũng đưa ra chương trình với lãi suất chỉ từ 7,3%/năm để thu hút khách hàng “đảo nợ”.
Cuộc đua này sẽ khiến một bộ phận khách hàng tốt có sự chuyển dịch về nơi vay vốn, từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đang rơi vào tình trạng “thừa tiền”, tăng trưởng tín dụng chậm như hiện nay, cạnh tranh bằng việc lấy thị phần từ các đối thủ là một trong những lựa chọn để các ngân hàng có thêm quy mô tăng trưởng.
Vậy những ngân hàng nào sẽ có lợi thế hơn trong “cuộc chơi” này?
Nhìn một cách khách quan, những ngân hàng có chi phí vốn thấp, lãi suất cho vay cạnh tranh hơn có thể bứt phá, hút khách đi vay từ ngân hàng khác. Ngược lại, những nhà băng đang phải huy động vốn với chi phí đắt đỏ có thể bị tụt lại phía sau, mất đi thị phần cho vay vào tay đối thủ.
COF được tính bằng cách lấy chi phí lãi và các chi phí tương tự chia cho công nợ trả lãi. Những khoản nợ trả lãi sẽ bao gồm nợ Chính phủ và NHNN, tiền gửi và vay của tổ chức tín dụng (TCTD) khác, tiền gửi của khách hàng và phát hành giấy tờ có giá.(Theo WiData)
Một trong những yếu tố quan trọng làm nên lợi thế của các ngân hàng ở đây là tỷ lệ chi phí vốn (Cost of Fund – COF). Chi phí vốn càng thấp, ngân hàng càng có thể đưa ra mức lãi suất ưu đãi hơn, từ đó tạo nên động lực chuyển nợ lớn hơn với người đi vay.
Theo dữ liệu từ WiData, chi phí vốn của các ngân hàng có xu hướng tăng so với đầu năm do ảnh hưởng của việc tăng lãi suất huy động từ quý cuối năm 2022 tuy nhiên có sự phân hoá giữa các ngân hàng.
Tính đến ngày 30/6/2023, COF 4 quý gần nhất trung bình của ngành ngân hàng đạt 4,6%, tăng 1,1 điểm % so với thời điểm cuối quý IV năm ngoái.
Hiện Vietcombank đang có tỷ lệ chi phí huy động thấp nhất trong số 27 ngân hàng niêm yết, ở mức 3,3%. Cuối quý IV năm ngoái, COF của Vietcombank ở mức 2,5%.
Nhìn chung, chi phí vốn nhóm Big4 và các ngân hàng TMCP lớn như MB, ACB, Techcombank,… đang ở mức thấp so với mặt bằng chung chưa đến 5%. Đây là những ngân hàng này có ưu thế khi tung ra các gói cho vay ưu đãi nhằm thu hút khách hàng đảo nợ.
Ở chiều ngược lại, những ngân hàng có quy mô nhỏ thường chịu chi phí huy động cao và sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nếu muốn đưa lãi suất về mức thấp như các “ông lớn”. Những ngân hàng xếp ở cuối bảng đang có mức chi phí vốn ở mức trên 7%/năm.
Theo nhận định củaTS. Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên Trường Đai học Kinh tế TP HCM, Thông tư 06 và lãi suất cạnh tranh đang hỗ trợ cho ngân hàng lớn giải quyết bài toán thừa vốn và ảnh hưởng đến ngân hàng nhỏ nhưng lại tăng tính cạnh tranh cho hệ thống ngân hàng và sẽ tốt cho người đi vay.
Trên thực tế, nếu muốn giữ chân được các khách hàng tốt, ngân hàng buộc phải duy trì mức lãi suất hợp lý, giảm lãi suất đối với các khoản có lãi suất cao để tránh mất khách sang tay của ngân hàng khác. Điều đó khiến cho chính người đi vay sẽ là bên hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc đua “đảo nợ” của các ngân hàng.
Bên cạnh yếu tố về chi phí huy động, biên lãi thuần (NIM) cũng ảnh hưởng tới khả năng điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng. NIM được tính bằng hiệu của thu nhập lãi và chi phí lãi chia cho tài sản sinh lãi. NIM càng cao, ngân hàng càng tạo ra được nhiều lợi nhuận từ tài sản sinh lời. Ngoài ra, việc có NIM cao cũng giúp các ngân hàng có thêm nhiều dư địa để hạ lãi suất cho vay.
Ngoài việc đang phải huy động với lãi suất cao, dẫn đến lãi suất cho vay nhỉnh hơn các ông lớn, những ngân hàng nhỏ còn không có nhiều dư địa để kéo lãi suất cho vay đi xuống do NIM “mỏng”.
Theo dữ liệu từ WiChart, VPBank đang là ngân hàng có NIM cao nhất, đạt 6,2% vào cuối quý II/2023, giảm 1,3 điểm % so với cuối năm ngoái. Ngược lại, NCB là ngân hàng với NIM “mỏng nhất”, chỉ đạt 1,5% tính đến ngày 30/6, cải thiện 0,1 điểm % so với đầu năm.
Các ngân hàng cổ phần lớn thuộc nhóm có NIM cao nhất, trong khi ba thành viên trong nhóm Big4 là Vietcombank, VietinBank và BIDV chỉ ở mức trung bình. Tương tự như COF, các ngân hàng quy mô nhỏ ghi nhận tỷ lệ NIM thấp nhất.
Theo phân tích của nhiều công ty chứng khoán, NIM được cho là đã tạo đáy vào quý II/2023 và có thể sẽ ổn định hoặc phục hồi trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, sự phục hồi của NIM sẽ phân hóa, phụ thuộc vào cơ cấu huy động và cho vay của từng ngân hàng.
Theo nhiều chuyên gia, công ty phân tích, những ngân hàng mạnh về tiền gửi không kỳ hạn (CASA) hoặc tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ từ nước ngoài sẽ đạt được lợi thế về NIM so với nhà băng nhỏ.
Tổng Hợp
(VietnamBiz)