Trong bối cảnh dư thừa thanh khoản, nhiều ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động. Lãi suất tiền gửi giảm dần và dòng tiền nhàn rỗi có dấu hiệu dịch chuyển…
Cụ thể, từ ngày 23/8/2023, Agribank giảm lãi suất huy động từ 0,3 – 0,5%/năm; lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, mức giảm là 1,9 – 4,5%/năm, tùy từng kỳ hạn.
Cũng trong ngày 23/8, BIDV điều chỉnh lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng từ 3,3 – 3,5%/năm xuống 3 – 3,8%/năm; lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 5%/năm xuống 4,7%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ 6,3%/năm xuống 5,8%/năm.
VietinBank và Vietcombank cũng có động thái tương tự. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động của 4 ngân hàng thương mại nhà nước tương đương nhau.
Đáng chú ý, lãi suất huy động trực tuyến trước đây thường cao hơn tại quầy từ 0,2 – 0,3%/năm, nhưng sau đợt điều chỉnh lần này, 2 biểu lãi suất đã bằng nhau.
Tại khối các ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất huy động của ACB giảm 0,4%/năm đối với các kỳ hạn từ 6 – 12 tháng, xuống 5,6%/năm đối với tiền gửi dưới 100 triệu đồng, 5,7%/năm đối với tiền gửi từ 100 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, 5,75%/năm đối với tiền gửi từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng và 5,8%/năm đối với tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên. So với đầu tháng 8, lãi suất huy động của ACB giảm tổng cộng 1%/năm, sau 5 lần điều chỉnh.
Eximbank cũng có 5 lần hạ lãi suất huy động trong tháng 8. Dù vừa giảm lãi suất ngày 23/8, nhưng 2 ngày sau đó (25/8), Eximbank tiếp tục hạ lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn. Với sản phẩm tiền gửi online (sản phẩm có lãi suất cao nhất), lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,5%/năm, xuống 4,25%/năm; kỳ hạn từ 6 – 12 tháng giảm từ 5,8%/năm xuống 5,6 – 5,7%/năm.
Cùng điều chỉnh lãi suất ngày 25/8, VIB hạ lãi suất huy động lần thứ 4 kể từ đầu tháng 8, với mức hạ 0,3%/năm đối với các kỳ hạn từ 6 – 11 tháng, xuống còn 5,8%/năm.
Các ngân hàng có 3 lần giảm lãi suất kể từ đầu tháng 8 là NCB, Techcombank, BaoViet Bank…
Còn Sacombank, BacA Bank, Saigonbank, GPBank, TPBank, SHB, HDBank, CBBank, MSB… hạ lãi suất 2 lần kể từ đầu tháng 8.
Tại hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 22/8, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước nhận xét, nhiều ngân hàng thương mại tích cực hưởng ứng chủ trương của cơ quan quản lý và cũng bởi vì “nhận tiền vào thì phải cho vay”. Tuy vậy, các ngân hàng vẫn đang trong tình trạng “tồn kho”, không thể đẩy mạnh cho vay, dù lãi suất cho vay giảm dần nhờ lãi suất huy động giảm.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, một số ngân hàng thương mại đã triển khai chương trình cho vay ưu đãi dành cho các khách hàng đang vay vốn tại tổ chức tín dụng khác, với lãi suất khoảng 8 – 10%/năm.
Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có thể đẩy mạnh tín dụng, bởi sự thận trọng khi cân nhắc các quyết định cho vay nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh.
Khảo sát gần đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, mặt bằng rủi ro tín dụng tổng thể của khách hàng được các tổ chức tín dụng nhận định tăng nhanh hơn so với kỳ khảo sát trước và cùng kỳ năm trước ở hầu hết lĩnh vực. Theo đó, các tổ chức tín dụng có xu hướng “không đổi”, hoặc “thắt chặt” tiêu chuẩn tín dụng, dù tính đến cuối tháng 7/2023, vốn tín dụng cho nền kinh tế chỉ tăng 4,56% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng tính đến cuối tháng 6 và thấp hơn đáng kể so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái (9,54%).
Thanh khoản dư thừa khiến lãi suất tiền gửi giảm dần và dòng tiền nhàn rỗi có dấu hiệu dịch chuyển. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, dòng tiền có khả năng chảy vào kênh đầu tư chứng khoán, vàng, ngoại tệ và một phần nhỏ vào bất động sản.
Ông Trần Ngọc Báu, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành WiGroup cũng đánh giá cao kênh đầu tư chứng khoán khi nhìn nhận, thị trường đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của năm 2022, tạo đáy và bước vào giai đoạn hồi phục trong năm 2023.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, trong kịch bản tích cực, nếu Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%/năm, số dư tiền gửi nhà đầu tư/thanh khoản bình quân ngày có thể tiệm cận mức đạt được trong quý II/2021 lần lượt là 85.000 tỷ đồng/21.000 tỷ đồng.
Một số thống kê cho thấy, số dư tiền gửi khách hàng tại khối công ty chứng khoán cuối quý II/2023 đạt khoảng 67.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 9.000 tỷ đồng so với cuối quý I, chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý. Như vậy, trong quý II/2023, lượng tiền “nằm chờ” của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán đã tăng trở lại sau 4 quý liên tục giảm. Nguồn tiền này cộng với dòng tiền mới trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm đã được kích hoạt giải ngân vào thị trường chứng khoán, tạo nên nhịp tăng điểm kéo dài cho đến giữa tháng 8/2023. Hai tuần gần đây, thị trường biến động mạnh, nhưng triển vọng trong trung và dài hạn vẫn được đánh giá khả quan.
Đối với thị trường bất động sản, ông Báu nhận xét, có những tín hiệu để dự đoán thị trường này sẽ dần khởi sắc trở lại. Thứ nhất, lãi suất cho vay giảm về mức thấp hơn sẽ là động lực chính cho toàn ngành vực dậy. Thứ hai, hành lang pháp lý được tháo gỡ sẽ giúp khơi thông nguồn cung bất động sản. Thứ ba, phân khúc nhà ở xã hội có thể là chất xúc tác cho ngành bất động sản dân cư khi mà phân khúc này được hưởng lợi từ nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Tổng Hợp
(ĐTCK)