Thận trọng khi cho vay, đồng thời nỗ lực gia tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu và xử lý nợ, nhưng giải pháp nào cũng có những khó khăn.
Ngày 24/4/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khi đáp ứng một số điều kiện, với thời hạn 1 năm kể từ ngày được cơ cấu lại, nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn về tài chính, đồng thời được tiếp cận nguồn vốn vay mới nhằm tiếp tục hoạt động sản xuất – kinh doanh. Việc này được thực hiện đến hết tháng 6/2024. Đây được xem là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về thanh khoản cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, trong bối cảnh khó tiếp cận các nguồn vốn (vốn vay, vốn huy động từ trái phiếu/cổ phiếu).
Do đó, về nguyên tắc, một số khoản nợ đã trở thành nợ xấu, song do được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, nên xu hướng tăng nợ nhóm 2 nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra trong các quý tới. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngành ngân hàng suy giảm đáng kể, xuống dưới mức 100% tính đến cuối quý II/2023 (97,3%). Môi trường lãi suất huy động cao trong nửa đầu năm 2023 khiến kết quả kinh doanh của các ngân hàng kém khả quan (lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2023 của các ngân hàng niêm yết giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2022) đã hạn chế dư địa trích lập dự phòng, từ đó khiến chất lượng tài sản toàn ngành suy giảm.
“Một rủi ro nữa là việc các trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 – 2024. Khó khăn của nền kinh tế cũng khiến các tổ chức phát hành gặp khó khăn trong việc hoàn trả các nghĩa vụ đã cam kết, dẫn đến rủi ro hệ thống cao hơn”, một lãnh đạo Công ty Chứng khoán VPBank nói và cho rằng, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết phụ thuộc rất lớn vào việc kiểm soát chất lượng tài sản. Nợ xấu có xu hướng gia tăng trong khi lãi suất huy động cao trước đó vẫn đang phản ánh vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Xu thế này chưa thể đảo ngược, ít nhất là đến cuối quý III/2023.
Trong diễn biến có liên quan, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhìn nhận, các sự kiện gần đây nhấn mạnh mối liên kết giữa ngân hàng với các tổ chức tài chính và phi tài chính khác (ví dụ lĩnh vực bất động sản), luật nên trao quyền cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện giám sát tập đoàn tài chính và toàn bộ dựa trên rủi ro một cách hiệu quả. Ví dụ, giám sát tổ chức tín dụng, công ty mẹ và các công ty con, công ty liên kết có liên quan, cũng như giám sát an toàn vĩ mô.
“Mặc dù có các thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước trong các lĩnh vực này, nhưng nguyên tắc chung là văn bản luật chính (do Quốc hội ban hành) quy định rõ vị trí chức năng thực hiện giám sát an toàn vĩ mô hoặc đảm bảo ổn định tài chính, cũng như các mục tiêu và quyền hạn đối với việc xác định xếp hạng rủi ro và tác động của các tổ chức được cấp phép, còn lại các chi tiết triển khai do văn bản dưới luật quy định”, bà Carolyn Turk nói.
Tổng Hợp
(ĐTCK)