Trong khoảng 1 năm trở lại đây, “khủng hoảng”, “đóng băng” là những từ được dùng để nói về thị trường bất động sản. Thế nhưng, từ cuối năm 2022, sự vào cuộc nhanh chóng của Chính phủ khi liên tiếp lập các tổ công tác gỡ khó về pháp lý, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét cho vay bất động sản.
Theo đó, thị trường bất động sản vừa qua liên tiếp đón nhận nhiều chính sách lớn có tác động quan trọng đối với thị trường bất động sản. Đó là Nghị định 08 tháo gỡ trái phiếu doanh nghiệp; Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; đề án 338 đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030; Nghị định 10 hướng dẫn Luật đất đai, bổ sung quy định về cấp quyền sở hữu cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, lãi suất huy động ngày càng giảm khiến lãi suất cho vay giảm cả các khoản vay cũ lẫn mới. Đồng thời, mới đây, Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước cũng hoãn một số khoản “cấm cho vay” và mở ra nhiều điều kiện vay khác khiến người dân, doanh nghiệp dễ dàng hơn việc tiếp cận vốn tín dụng.
Bên cạnh những giải pháp từ Chính phủ, doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực tự thân để vượt qua thách thức. Tiêu biểu là nỗ lực của chủ đầu tư đối với hoạt động cơ cấu nợ trái phiếu, chuyển đổi trái phiếu thành bất động sản; lên kế hoạch triển khai dự án trong quý 3/2023. Đặc biệt, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã trực tiếp tiếp xúc khách hàng, tham gia giới thiệu dự án để tạo niềm tin cho thị trường.
Nhờ các hoạt động này, nguồn cung trên thị trường đã được cải thiện; thậm chí tại một số thị trường lớn, nguồn cung còn được gia tăng mạnh. Đơn cử Hà Nội, theo Savills, 6 tháng đầu năm 2023, nguồn cung căn hộ mới đã tăng 76% theo quý và 125% theo năm; thị trường sơ cấp (từ chủ đầu tư) chào đón hơn 2 vạn căn, tăng 5% theo quý và 14% theo năm.
Lãi suất huy động tiết kiệm đạt mức cao trong những tháng đầu năm dẫn đến ngân hàng hút được một lượng lớn tiền gửi cá nhân, nhưng sang quý 2/2023, lãi suất điều hành, lãi suất huy động giảm mạnh. Chỉ trong vòng vài tháng, lãi suất huy động từ chỗ hơn 10%/năm, nay xuống còn hơn 5% cho kỳ hạn 12 tháng. Nhiều kỳ vọng được đặt ra ngay sau khi ngân hàng cân đối dần chi phí của những đợt lãi suất huy động cao và lãi suất huy động thấp, thì cung ứng dần dòng tiền rẻ hơn ra thị trường.
Mặt khác, khi lãi suất huy động điều chỉnh về mức thấp hứa hẹn một phần tiền gửi đáo hạn sẽ điều chuyển sang kênh đầu tư khác ngoài tiết kiệm. Dự báo dòng tiền tiết kiệm sau đáo hạn một phần đi đến thị trường chứng khoán, sau đấy quay về thị trường bất động sản vào cuối năm 2023, đầu năm 2024.
Cũng theo ghi nhận của batdongsan.com.vn cho thấy tâm lý người dùng đã được cải thiện đáng kể. Gần nhất, trong tháng 7/2023, nhu cầu tìm mua bất động sản trên cả nước tăng 6%. Xu hướng tăng diễn ra với tất cả loại hình bất động sản bán. Trong đó, chung cư và biệt thự chứng kiến lượng quan tâm phục hồi mạnh nhất, tăng 7% so với tháng liền kề trước đó; đất nền tăng 6%; nhà riêng và đất dự án tăng 3%.
Thị trường bất động sản ở hầu hết các tỉnh, thành phố cũng đã trải qua một tháng 7 “ấm” hơn với lượt quan tâm tăng nhẹ. Nổi bật trong đó là Hà Nội và TPHCM với mức tăng lần lượt là 9% và 8% so với tháng liền trước. Danh sách các địa phương có mức độ quan tâm nhà đất tăng đáng kể trong tháng 7 còn gọi tên: Quảng Ninh (tăng 18%), Hải Phòng (tăng 9%) và Đà Nẵng (tăng 8%).
Sau sự vào cuộc từ Chính phủ, các bộ ngành, những vướng mắc về pháp lý các dự án bất động sản dần được tháo gỡ. Đặc biệt, những điều kiện vay vốn, lãi suất giảm khiến thị trường nhen nhóm phục hồi.
Tổng Hợp
(Tiền Phong)