Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ của nhiều doanh nghiệp bị “thổi bay” hàng ngàn tỷ đồng. “Sóng gió” dồn dập chưa từng có thời gian qua khiến thị trường bảo hiểm nhân thọ lao đao…
Số liệu mới công bố của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam về tổng quan thị trường bảo hiểm Việt Nam nửa đầu năm 2023 cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 112.741 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 34.910 tỷ đồng, tăng trưởng 1,3% so với cùng kỳ 2022; trong khi đó, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 77.831 tỷ đồng, giảm 7,9% với cùng kỳ năm 2022.
Trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, số lượng hợp đồng khai thác mới 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1.028.402 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 31,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, số lượng hợp đồng khai thác mới của sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo 61,2% tổng số lượng nhưng giảm mạnh 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 16,2%, tụt dốc mạnh 52,5% so với cùng kỳ. Còn sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 45%, giảm 23,9%.
Số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ (sản phẩm chính) đạt hơn 13,35 triệu hợp đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Về cơ cấu số lượng hợp đồng theo sản phẩm, sản phẩm được ưa chuộng và chiếm tỷ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (52,3%) và sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (23,2%).
Đáng chú ý, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 15.508 tỷ đồng giảm 38,2% so với cùng kỳ năm trước.
Dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Prudential với 2.741 tỷ đồng, Dai-ichi Life với 2.046 tỷ đồng, Manulife với 1.976 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ đạt 1.912 tỷ đồng và Sun Life với 1.183 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thứ hạng trên thị trường bảo hiểm nhân thọ thay đổi đáng kể. Theo đó, do doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới sụt giảm sâu 58% (2.709 tỷ đồng) khiến Manulife lùi về vị trí thứ ba và đánh mất vị trí đầu bảng vào tay Prudential, thậm chí còn thấp hơn cả Dai-ichi Life.
Trước đó, 6 tháng đầu năm ngoái, Manulife dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới với 4.685 tỷ đồng, Prudential với 4.490 tỷ đồng, Dai-ichi Life với 3.322 tỷ đồng.
Còn tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường trong 6 tháng ước đạt là 77.831 tỷ đồng, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khác cũng ghi nhận mức giảm hàng trăm tỷ đồng so với nửa đầu năm ngoái gồm: Dai-ichi Life giảm 665 tỷ đồng, Generali 211 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ giảm 186 tỷ đồng, Sun Life giảm 111 tỷ đồng…
Về thị phần, Bảo Việt Nhân thọ vẫn giữ vị trí quán quân, với tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 16.036 tỷ đồng, thị phần nhích tăng lên 20,6%. Đáng chú ý, Manulife và MB Ageas là hai doanh nghiệp có thị phần giảm mạnh nhất so với cùng kỳ 2022, với thị phần lần lượt đạt 17,2% và 3,03%.
Về trả tiền bảo hiểm nhân thọ 6 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chi trả ước đạt 25.850 tỷ đồng, tăng 37,1% với cùng kỳ năm trước.
Chia sẻ với báo giới gần đây, lãnh đạo Dai-ichi Life Việt Nam cho biết với nhiều khó khăn, toàn ngành đang phải đối mặt khiến doanh thu phí khai thác mới giảm sâu và tổng doanh thu phí bảo hiểm nửa đầu năm chỉ bằng khoảng 90% cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu nửa đầu năm khá bi quan nhưng với thị trường 100 triệu dân, chỉ có khoảng 10% dân số tham gia bảo hiểm, thị trường bảo hiểm Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng về quy mô và chất lượng. Khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm còn rất nhiều cơ hội đem đến những dịch vụ bảo hiểm tốt hơn cho người dân Việt, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Riêng năm 2022, chi trả quyền lợi bảo hiểm trên 3.000 tỷ đồng cho hơn 190.000 trường hợp, nâng tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm hơn 15.000 tỷ đồng cho 1,4 triệu trường hợp trong 15 năm qua.
Sự sụt giảm số lượng hợp đồng khai thác mới cũng như doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường được giới phân tích nhìn nhận là do hệ luỵ từ khủng hoảng trên thị trường bảo hiểm gây sụt giảm niềm tin của người dân thời gian qua, khi nhiều khách hàng lên tiếng khiếu kiện vì những vụ việc “hô biến” tiền gửi tiết kiệm, đầu tư thành hợp đồng bảo hiểm hoặc vay vốn tín dụng cũng bị ép mua bảo hiểm nhân thọ bằng nhiều chiêu thức.
Sau cuộc khủng hoảng chưa từng có trong ngành bảo hiểm, không chỉ doanh thu phí bảo hiểm của các doanh nghiệp trong ngành tụt dốc, mà doanh thu từ hoạt động bảo hiểm tại các ngân hàng trong nửa đầu năm cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ.
Tổng Hợp
(VnEconomy)