Trong bối cảnh đồng Yen rớt giá, lao động Việt Nam ở Nhật Bản đang tìm mọi cách để thích ứng và trang trải cuộc sống. Nhiều người trở nên e ngại trong việc đổi tiền để gửi về cho gia đình do bị “lỗ nặng” và tiếc công sức làm việc.
Thậm chí, có những người lựa chọn phương án “gom tiền” chờ đợi đồng Yen hồi phục.
Chị Nguyễn Thị Bình là lao động làm việc tại tỉnh Hokkaido. Theo chị Bình, trước đây, 1 Yen đổi được hơn 208 đồng, hiện nay chỉ khoảng 162 đồng, tương ứng mức giảm khoảng gần 6%.
Trong khi đó, tại công ty mà chị Bình đang làm việc không có chế độ tăng ca nên thu nhập bị hạn chế. Quy đổi sang tiền Việt với tỷ giá hiện nay chỉ khoảng hơn 16 triệu đồng/tháng.
“Bình thường lao động Việt sang Nhật mong chờ rất nhiều vào việc tăng ca. Trong 1 giờ làm tăng ca đêm của ngày lễ, lương sẽ tăng 135%, còn ngày bình thường là 125% nhưng công ty tôi không có chế độ đó. Càng đi làm, giá trị đồng Yen càng giảm, giờ đây thu nhập chẳng khác Việt Nam là mấy. Đã nửa năm nay, tôi không gửi tiền về cho gia đình trừ khi nhà có việc quan trọng”, chị Bình nói.
Xuất khẩu lao động sang Nhật Bản được 5 năm, chị Kiều Thị Vân làm chế biến thực phẩm tại tỉnh Chiba, Nhật Bản cho hay đang lên kế hoạch về Việt Nam làm ăn. Chị Vân cho biết, 2 năm qua, đồng Yen giảm giá, chi phí tiền ăn, nhà trọ ngày càng tăng, thu nhập hạn hẹp khiến cuộc sống trở nên khó khăn.
“Chi phí sinh hoạt cao, tính riêng thực phẩm, giá đã cao gấp 3-4 lần tại Việt Nam. Trong khi tiền làm ra không được bao nhiêu, gửi về cho gia đình không được nhiều như xưa. Tôi sẽ chờ đến cuối năm, nếu không có sự tiến triển, tôi quyết định về Việt Nam để tìm hướng làm ăn” – chị Vân nói.
Theo chị Vân, một số người lựa chọn cách gửi tiền qua “chợ đen” được giá cao nhưng điều này là phạm pháp, sẽ gặp nhiều rủi ro về lừa đảo nên chị lựa chọn gom tiền chờ đồng Yen tăng giá sẽ đổi sang tiền Việt.
Trên thế giới, đồng Yen đã chạm 145 JPY/USD, mức chưa từng thấy kể từ tháng 11/2022. Khoảng cách lớn giữa lãi suất ở Nhật Bản và Mỹ đã dẫn tới tình trạng suy yếu kéo dài của đồng Yen so với USD.
Đồng thời, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tại ngày 27/8 đạt hơn 4,231%, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản cùng kỳ hạn chỉ đạt 0,63%. Cùng với đó, lãi suất chính sách được thiết lập bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang ở mức 5,25 – 5,5% còn lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) âm 0,1%.
Trước đó vào ngày 28/7, BOJ đã điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất, cho phép lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm được tăng tối đa lên 1%. Tuy nhiên, động thái này chưa đủ sức kìm hãm xu hướng giảm giá của đồng Yen, một phần do BOJ phát tín hiệu sẽ không cho phép lợi suất biến động mạnh và vẫn tiếp tục mua vào trái phiếu để ngăn lợi suất tăng.
Tổng Hợp
(VTV)