Các doanh nghiệp vẫn có thể vay tiền từ nước ngoài hoặc từ các tổ chức tín dụng trong nước để cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài hiện hữu, với các điều kiện tương tự như trước đây, nhưng được làm rõ hơn với các quy định mới.
Cụ thể, trường hợp vay từ các bên cho vay nước ngoài, Thông tư 08 đã cho phép bên vay sử dụng các khoản vay ngắn hạn để thanh toán các khoản nợ nước ngoài phát sinh trong quá trình hoạt động của mình mặc dù trước đây mục đích này không được cho phép.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần phải tham khảo hướng dẫn thi hành cụ thể hơn từ NHNN về phạm vi được phép và các thủ tục kèm theo do Thông tư 08 chưa có quy định rõ ràng về các nội dung này.
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp phải đảm bảo rằng chi phí vay của khoản vay mới (bao gồm lãi và chi phí vay) không vượt quả chi phí vay của khoản nợ nước ngoài hiện hữu được cơ cấu lại.
Thông tư 08 hiện linh hoạt hơn trong quy định về việc tính toán khoản vay mới, với tổng mức chi phí vay được phép bao gồm nợ gốc, lãi vay, chi phí chưa thanh toán của khoản nợ nước ngoài hiện hữu và chi phí của khoản vay mới. Kể từ ngày rút vốn khoản vay mới, doanh nghiệp phải sử dụng khoản vay này để trả nợ khoản vay nước ngoài hiện hữu trong vòng năm (05) ngày làm việc.
Trường hợp vay từ các tổ chức tín dụng trong nước, Thông tư 06 có quy định mở hơn cho doanh nghiệp khi cho phép vay để trả các khoản nợ nước ngoài chưa đến hạn hoặc chưa được cơ cấu lại, mà không yêu cầu khoản nợ hiện tại đó phải phục vụ cho mục đích kinh doanh như quy định trước đây, với điều kiện thời hạn vay của khoản vay mới không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ. Quy định này cho thấy NHNN không khuyến khích việc sử dụng các nguồn vốn thay thế nhằm mục đích kéo dài thời hạn dư nợ của khoản vay hiện hữu.
Theo quy định cho vay mới, các nhà đầu tư hiện tại phải đối mặt với nhiều hạn chế hơn đối với các mục đích sử dụng khoản vay.
Trường hợp vay từ nước ngoài, bên vay không còn được phép vay các khoản vay nước ngoài cho công ty con của mình sử dụng trong hoạt động hoặc thực hiện dự án của công ty con đó.
Khoản vay ngắn hạn chỉ được sử dụng để cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài hoặc thanh toán các khoản nợ ngắn hạn phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh và được xác định căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp.
Các khoản vay trung và dài hạn chỉ được phép cho ba mục đích: (1) Để thực hiện các dự án được cấp phép của bên vay, (2) để thực hiện kế hoạch kinh doanh và các dự án khác của bên vay, (3) để cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài chưa thanh toán của bên vay.
Trường hợp vay từ các tổ chức tín dụng trong nước, Thông tư 06 hiện cấm các khoản vay được sử dụng cho các mục đích sau: (1) để gửi tiền tại tổ chức tín dụng; (2) góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư chưa đủ điều kiện kinh doanh; (3) để bù đắp tài chính, trừ trường hợp khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện.
Các điều kiện này bao gồm: Bên vay đã tự ứng vốn để thanh toán các chi phí thực hiện dự án mà các khoản chi phí này phát sinh trong thời gian dưới 12 tháng tính đến thời điểm khoản vay được cấp; và bên vay đã tự ứng vốn để thanh toán các chi phí thực hiện dự án mà các khoản chi phí này có sử dụng nguồn vốn vay của tổ chức tín dụng theo phương án sử dụng vốn đã gửi tổ chức tín dụng để được xem xét cho vay trung, dài hạn nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh đó.
Ngoài ra, Thông tư 08 và Thông tư 06 đều tạo sự linh hoạt hơn cho bên cho vay và bên đi vay trong việc cơ cấu đồng tiền cho vay. Trong đó, khoản vay từ các tổ chức tín dụng trong nước có thể được trả bằng đồng tiền cho vay của khoản vay, hoặc bằng đồng tiền khác theo thỏa thuận giữa bên vay và bên cho vay.
Đây là lần đầu tiên các khoản vay nước ngoài được cho phép xác định bằng đồng Việt Nam. Tuy nhiên, việc rút vốn và trả nợ của các khoản vay này vẫn sẽ phải được thực hiện bằng đồng ngoại tệ.
Theo nhóm chuyên gia KPMG, mặc dù việc thực hiện quy định này sẽ cần được hướng dẫn cụ thể hơn nhưng sự cấp tiến trong các quy định này là bước đầu giúp các bên linh hoạt hơn trong việc xác lập kế hoạch trả nợ của mình.
Tổng Hợp
(VietnamBiz)