Dữ liệu của CBRE cho thấy giá bán thứ cấp trung bình nhà ở gắn liền với đất đến quý II/2023 là 154 triệu đồng/m2, còn chung cư là 33 triệu đồng/m2. Giá nhà tăng cao khiến nhiều người không thực hiện được giấc mơ an cư…
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cần tiếp tục sửa đổi các quy định về giá đất, đấu giá, đấu thầu; điều chỉnh cơ cấu chính sách về tín dụng. Ngoài ra, cần tiếp tục tháo gỡ các vấn đề pháp lý, quy hoạch tạo điều kiện cho thị trường phát triển, nhất là tăng nguồn cung nhà ở xã hội bởi nhu cầu hiện nay rất lớn. Với các chủ đầu tư, ông Khởi cho rằng, nên có chính sách bán hàng hợp lý, điều chỉnh cơ cấu căn hộ hài hòa, giá nhà phù hợp với nhu cầu người dân.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Savills Hà Nội, cho rằng, sự chênh lệch cung – cầu lớn dẫn đến giá bán nhà ở neo cao. Trong giai đoạn 2023 – 2025, Hà Nội sẽ có thêm 157.000 hộ gia đình, tuy nhiên nguồn cung tương lai chỉ bao gồm khoảng 59.000 căn hộ hạng sang, 9.000 nhà ở thấp tầng và 18.700 nhà ở xã hội dự kiến mở bán, thị trường vẫn thiếu hụt 70.300 nhà ở.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, nhận định, để đạt điều kiện giảm giá nhà, biện pháp cần làm là tăng cung nhà ở trong thời gian tới.
Theo ông Châu, những vướng mắc về pháp lý đã khiến nhiều dự án bị treo, cần phải gỡ khó cho doanh nghiệp để tăng cung cho thị trường. Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước mới đây đã khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc lo ngại vay vốn để phát triển các dự án mới, mua bán, góp cổ phần cùng phát triển dự án sẽ khó càng thêm khó.
Ông Châu nhận định, thị trường bất động sản đang phát triển mất cân đối, giá bán bị đẩy quá cao, cần cơ cấu lại giá bất động sản theo chiều hướng phù hợp, tăng nguồn cung. Nhà nước cũng cần rút ngắn thủ tục hành chính để giảm chi phí xây dựng, chi phí tài chính của dự án.
Chiếm phần trăm lớn trong tỷ lệ dân số và lực lượng lao động nhưng những người trẻ tuổi lại khó thực hiện mục tiêu mua nhà để an cư lập nghiệp. Riêng về giá cả, hiện nay, giá bất động sản Việt Nam đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân.
Theo một nghiên cứu gần nhất, người Việt Nam trung bình cần ít nhất hơn 23 năm có thu nhập để mua được nhà ở, đứng thứ 14/107 quốc gia trên thế giới, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc trong khi thu nhập của chúng ta thấp hơn họ và thậm chí cao hơn nhiều so với các nước khác tại châu Á. Tình trạng thiếu nguồn cung về nhà ở giá rẻ khiến nhiều người trẻ có thu nhập ở mức trung bình khó có thể sở hữu một ngôi nhà tại thành phố lớn để an cư.
Tổng Hợp
(Tiền Phong, VTV)