Không chỉ triển khai thực hiện không đúng chủ trương thí điểm, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM còn cho 7 dự án thuê đất không phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nếu phát hiện có dấu hiệu hình sự, gây thiệt hại cho Nhà nước, thì chuyển cơ quan điều tra việc chuyển giao đất ở khu công nghệ cao.
Khu công nghệ cao TP.HCM được thành lập năm 2002 với mục tiêu xây dựng nền móng công nghiệp công nghệ cao cho TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung và tầm nhìn trở thành tiểu đô thị khoa học – công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, hạt nhân của khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM, động lực của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam
Kết luận thanh tra Khu công nghệ cao TP.HCM giai đoạn 2018 – 2020 mà cơ quan Thanh tra TP.HCM vừa công bố nêu rõ, năm 2015, UBND TP.HCM có Quyết định số 1026/QĐ-UBND về Kế hoạch Thí điểm mô hình nhà xưởng cao tầng trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao giai đoạn 2015 – 2018.
Theo đó, với tổng vốn khoảng 600 tỷ đồng, một số khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao sẽ thí điểm đầu tư xây dựng các khu nhà xưởng cao tầng với quy mô dự kiến mỗi nhà xưởng khoảng 3 – 8 tầng, diện tích sàn xây dựng khoảng 10.000 – 40.000 m2, bố trí các xưởng có diện tích 100 m2, 200 m2, 500 m2, 1.000 m2, 3.000 m2.
Việc thí điểm nhằm giúp TP.HCM tiết kiệm nguồn tài nguyên đất, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất; đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các doanh nghiệp, thu hút thêm các nhà đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho một số nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu mở xưởng sản xuất nhỏ để thăm dò thị trường và môi trường đầu tư trước khi quyết định đầu tư lâu dài vào Việt Nam, sau khi kinh doanh hiệu quả thì mới đầu tư mở rộng hoặc xây dựng nhà xưởng để sản xuất…
Tuy nhiên, theo Thanh tra TP.HCM, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã triển khai thực hiện không đúng chủ trương thí điểm nêu trên khi thêm nhà đầu tư Công ty Phát triển Khu công nghệ cao; tăng diện tích cho thuê từ 2.657,2 m2 lên 8.845,6 m2; mở rộng thêm các vị trí I-3b-l.l, 1-3b-1.3, 1-3b-1.4; thay đổi hạ giá cho thuê đất từ 21.426,5 đồng/m2/năm, xuống còn 12.874,8 đồng/m2/năm; cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cho Công ty Lập Thành thuê đất (các lô 1-10-2,1-15, HT-5) để thực hiện dự án xây dựng nhà xưởng trước khi UBND TP.HCM cho phép thực hiện thí điểm với đơn giá cho thuê thấp.
Không chỉ triển khai thực hiện không đúng chủ trương thí điểm, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM còn cho 7 dự án thuê đất không phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Đó là các dự án: Trung tâm Phân tích thí nghiệm và Văn phòng Viện Dầu khí Việt Nam tại TP.HCM; Đầu tư xây dựng Công viên Thiên niên kỷ; Nghiên cứu và sản xuất các thiết bị chiếu sáng, chip led siêu sáng và thiết bị điện tử công nghệ cao; Hệ thống giám sát và điều khiển Hải Nam; Nhà máy Sản xuất thiết bị điện cho ngôi nhà thông minh và điện dân dụng; Đầu tư xây dựng siêu thị, nhà hàng, nhà trẻ; Tuyến xe buýt năng lượng sạch nội khu.
Thanh tra TP.HCM chỉ ra, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM còn ký hợp đồng cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê không đúng đối tượng, không đúng hình thức pháp luật quy định; thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê bất hợp lý, không lập phương án giá đất sát giá thị trường để thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Cơ quan này còn không sử dụng đúng phương pháp giá vốn khi tổng hợp chi phí đầu tư để xác định giá cho thuê đất, tự loại trừ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, chi phí rà phá bom mìn và dự phòng phí khi trình UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 1719/QĐ-UBND ngày 9/4/2013 về giá cho thuê đất trong khu công nghệ cao nhằm thu hút đầu tư, thực hiện mục tiêu tập trung công nghệ cao trực tiếp nước ngoài để chuyển giao công nghệ, nhưng làm ảnh hưởng đến việc hoàn trả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Sau cho thuê, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM thiếu đôn đốc, kiểm tra, để chủ đầu tư của 33 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, thấp nhất là 1 tháng, nhiều nhất là 63 tháng tính đến thời điểm tháng 7/2021, trong đó có 3 đơn vị sử dụng đất không đúng mục đích theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp.
Chưa hết, việc quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch và sau cấp phép xây dựng đối với một số chủ đầu tư dự án, công trình còn chưa chặt chẽ, kịp thời, để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép chậm khắc phục tại Nhà máy Jabil Việt Nam; Trung tâm Công nghệ hàng không Vietjet; Công ty TNHH MTV Công nghệ cao Điện Quang; Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH một thành viên.
Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cũng không có biện pháp hiệu quả nhằm buộc nhà đầu tư của 20 dự án phải thỏa thuận ký quỹ sau khi được thuê đất; chưa ràng buộc chặt chẽ biện pháp chế tài khi ký hợp đồng dẫn đến các nhà đầu tư còn dây dưa nợ khó đòi, không nộp số tiền 41,664 tỷ đồng phí duy tu, bảo trì công trình hạ tầng, tiện ích công cộng và phí an ninh; thiếu kiểm tra thường xuyên, không kịp thời phát hiện để hạch toán trích lập quỹ dự phòng nhà máy xử lý nước thải năm 2020 số tiền là 2,293 tỷ đồng của ban quản lý các dự án.
Theo cơ quan thanh tra, thì Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM thực hiện thẩm định công nghệ của 32 dự án đầu tư (trong tổng số 39 dự án) không đúng thẩm quyền theo Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và Thông tư số 03/2016/TT-BKHCN ngày 30/3/2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về hồ sơ, nội dung và quy trình, thủ tục thẩm định cơ sở khoa học của chương trình phát triển kinh tế – xã hội; thẩm định công nghệ của dự án đầu tư.
Trước việc “làm thay” cơ quan chuyên môn này, Thanh tra TP.HCM đề nghị Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM phải chấm dứt ngay việc thẩm định công nghệ đối với các dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM và phải rà soát lại việc thẩm định công nghệ của 32 dự án nêu trên. Nếu xác định dự án nào thuộc thẩm quyền và cần lấy ý kiến của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, thì chuyển cơ quan chuyên môn này thẩm định.
Tự thẩm định thay cơ quan khác, nhưng trong nhiệm vụ mình, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM lại lập, thẩm định, phê duyệt dự toán của Dự án Đường D10b chưa đầy đủ, chính xác, làm tăng giá trị dự toán 51,466 tỷ đồng; nghiệm thu, thanh quyết toán công trình của các dự án xây dựng đường D10b, D5, D19 và D17 không phù hợp thực tế, chênh lệch giá trị khối lượng xây lắp đã thanh toán phải thu hồi là hơn 161,4 tỷ đồng.
Đó là chưa nói, sự đáng ngờ trong việc tập hợp chưa đầy đủ ý kiến của các sở, ngành của Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM khi trình UBND TP.HCM ban hành quyết định liên quan. Nội dung trình của Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cũng không thể hiện các tiêu chí về quy hoạch chi tiết, vị trí đất tương ứng với từng mục đích sử dụng đất của Khu công nghệ cao TP.HCM trong phụ bảng chi tiết mức giá thuê đất các tuyến đường trong khu vực.
Với những sai phạm trên, bên cạnh đề nghị xử lý cá nhân, tổ chức liên quan, truy thu tiền về ngân sách, Thanh tra TP.HCM kiến nghị chuyển hồ sơ cho cơ quan liên quan để kiểm tra, rà soát, truy thu (nếu có vi phạm) các trường hợp có khả năng gây thất thu ngân sách nhà nước.
Tổng Hợp
(ĐTCK)