Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, điểm ấn tượng với Nghị quyết 33 của Chính phủ là tất cả các chủ thể có liên quan đề cao trách nhiệm chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, từ Nhà nước đến doanh nghiệp, người dân, cả Trung ương lẫn địa phương.
“Nghị quyết 33 của Chính phủ đã bước đầu phát huy được tác dụng trong cuộc sống. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng và của TP.HCM, quý II/2023, thị trường bất động sản giảm khó khăn hơn quý I/2023. Lãnh đạo của tất cả tập đoàn mà chúng tôi tiếp xúc cũng đều thấy thị trường đang có dấu hiệu dần giảm bớt khó khăn để đi đến giai đoạn phục hồi và tăng trưởng”, ông Châu cho biết.
Đồng quan điểm, Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch CTCP Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) cho biết, các doanh nghiệp bất động sản đều thấy rõ tác động lớn của các biện pháp đồng bộ quyết liệt từ Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, từ việc giãn nợ trái phiếu, tháo gỡ thể chế, nguồn vốn, định giá, quy hoạch, lãi suất ngân hàng… Tiêu biểu là các vấn đề đưa ra trong Nghị quyết 33 của Chính phủ.
“Tác động cụ thể của các chính sách, biện pháp đó đã giúp thị trường bất động sản bớt ảm đạm hơn. Nhiều chủ đầu tư đã có tín hiệu phục hồi, mặc dù số doanh nghiệp bất động sản phải giải thể hoặc ngừng hoạt động vẫn còn lớn. Điều quan trọng là việc triển khai Nghị quyết 33 đã cởi bỏ được tâm lý e ngại, mất niềm tin của thị trường”, ông Hiệp nhận định.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp cũng cho rằng đối với các luật liên quan đến thị trường bất động sản dự kiến được Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023 và có hiệu lực từ năm 2024, sẽ có hàng loạt dự án đang triển khai thủ tục đầu tư từ 2022 và 2023 sẽ chịu tác động của những thay đổi về pháp lý. Vì vậy, ông Hiệp đề nghị cần quan tâm đến vấn đề chuyển tiếp các dự án giữa luật cũ và luật mới.
“Trong Nghị quyết 33 có giao Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại ở khu đô thị. Rất mong Nghị định này sớm được ban hành để chuẩn hóa các bước và đơn giản hóa thủ tục cho các doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở thương mại khu đô thị”, ông Hiệp kiến nghị.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, kể từ khi Nghị quyết 33 được ban hành, nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách của thị trường bất động sản đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể, việc triển khai Nghị quyết 33 của Chính phủ đã có hiệu quả nhất định khi được xây dựng với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, hướng tới mục tiêu tháo gỡ trên cả 3 phương diện, gồm pháp lý, tín dụng và cung cầu bất động sản, nhất là về nhà ở xã hội.
Việc tháo gỡ khó khăn về pháp lý và các giải pháp thúc đẩy thị trường vừa qua đã có hiệu quả nhất định, giúp cho tình hình tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước; giúp cho tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục giữ được sự ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát,… nhiều khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản đã từng bước được tháo gỡ, tình hình thị trường bất động sản đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài nhiều năm, việc giải quyết tháo gỡ cần có thời gian và giải pháp kịp thời phù hợp. Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung triển khai có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát khung khổ pháp lý xem vướng mắc ở đâu, tại văn bản nào, nội dung gì, ai giải quyết, giải quyết trong bao lâu. Ngoài ra, cần nghiên cứu thúc đẩy nhanh sự ra đời của các sàn giao dịch bất động sản, đất đai để phát huy khả năng tự điều chỉnh của thị trường, hạn chế việc can thiệp hành chính, công khai, minh bạch, lành mạnh hóa thị trường.
Tổng Hợp
(Dân Việt)