Chung tay, chung sức, đồng lòng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ;
Tiếp tục rà soát khung khổ pháp lý xem vướng mắc ở đâu, tại văn bản nào, nội dung gì, ai giải quyết, giải quyết trong bao lâu; trong đó, cần nghiên cứu thúc đẩy nhanh sự ra đời của các sàn giao dịch bất động sản, đất đai để phát huy khả năng tự điều chỉnh của thị trường, hạn chế việc can thiệp hành chính, công khai, minh bạch, lành mạnh hóa thị trường;
Các bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ, khẩn trương hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch ngành, vùng, tỉnh, phân khu chậm nhất trong năm 2023;
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục xem xét chỉ đạo có các giải pháp giảm lãi suất cho vay, tăng hạn mức tín dụng, tiếp tục rà soát việc cho vay tín dụng đối với bất động sản, đẩy mạnh tiến hành khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ…;
Bộ Tài chính thực hiện chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát, với các biện pháp giảm, giãn hoãn thuế, phí, lệ phí… (trong đó: giảm thuế VAT phải nhanh với tinh thần “cái gì được thì cho đi trước”, không thể chờ cả gói mới thực hiện, miễn là đúng luật pháp);
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có các giải pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển;
Tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế, thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Lưu ý các địa phương, các khu đất đẹp, ở trung tâm, thuận lợi về giao thông, dịch vụ thương mại, văn hóa du lịch cần ưu tiên dành cho sản xuất kinh doanh, từ đó mới tạo công ăn việc làm, thu hút người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, có người đến ở thì mới có người mua nhà, từ đó mới phát triển được bất động sản, đô thị…
Cơ cấu lại các phân khúc bất động sản cho phù hợp, lưu ý chú trọng phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập trung bình. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần chú trọng đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, thực chất, hiệu quả, không hình thức, không ồn ào, nói đi đôi với làm;
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ động phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, nhất là với Luật Đất đai (sửa đổi);
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”; tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục quy hoạch đất các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư;
Đồng thời, rà soát nghiên cứu báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất các nội dung cần sửa đổi Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; khẩn trương nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 09/2021/TT-BXD ngày 16 tháng 8 năm 2021 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Thông tư số 06/2022/TT-BXD ngày 30 tháng 11 năm 2022 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình của Bộ Xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát và thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản; chỉ đạo các ngân hàng thương mại có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, vừa tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, vừa kiểm soát được rủi ro, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, nhất là xem xét rất cụ thể để cho vay với các dự án bất động sản đang dở dang, sắp hoàn thành;
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư;
Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các ngân hàng thương mại tiếp tục chia sẻ với doanh nghiệp, người dân, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, đơn giản hoá các thủ tục hành chính cho vay; rà soát các điều kiện cho vay phù hợp thuận lợi, khuyến khích cả người vay phát triển nguồn cung và người vay mua nhà; có các gói khuyến mãi hợp lý ưu đãi để khuyến khích cả cung và cầu; phát huy cơ sở dữ liệu dân cư trong quản lý, cho vay tín dụng. Ngân hàng, doanh nghiệp và người mua nhà cần phát huy tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Tổng Hợp
(ĐTCK)