Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát, cho biết chuyên đề giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, là 1 trong 4 chuyên đề sẽ thực hiện giám sát trong năm 2024 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Đoàn sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ ngày 1/7/2015 đến hết 31/12/2023 trên phạm vi cả nước. Đối tượng giám sát là Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ; HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng cho biết, yêu cầu đặt ra với Đoàn giám sát phải làm rõ những vấn đề thực tiễn đang đặt ra về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội, nhằm hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật tốt hơn.
“Hiện nay thị trường bất động sản đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, mà yêu cầu cơ bản, xuyên suốt đó chính là việc hoàn thiện cơ chế pháp lý đồng bộ và thực thi minh bạch thông tin thị trường. Đặc biệt là những giải pháp về cơ chế, chính sách và tổ chức thực thi đối với lĩnh vực nhà ở xã hội, góp phần bảo đảm an sinh và công bằng xã hội, đáp ứng được nhu cầu về chỗ ở của người dân, là động lực phát triển kinh tế xã hội”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Mục tiêu của Đoàn giám sát nhằm đánh giá kết quả, những mặt còn hạn chế, những khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; rút ra bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trong 08 năm qua; hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nhất là sau khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Về nội dung, Đoàn giám sát việc tập trung giám sát vào việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định chuyên đề giám sát có nội dung, phạm vi giám sát rộng, là lĩnh vực khó, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều Bộ, ngành, địa phương và nhiều đối tượng chịu sự tác động.
Theo Trưởng đoàn giám sát, hiện nay thị trường bất động sản đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, mà yêu cầu cơ bản, xuyên suốt đó chính là việc hoàn thiện cơ chế pháp lý đồng bộ và thực thi minh bạch thông tin thị trường.
Cùng với đó, quá trình đô thị hóa ở nước ta diễn ra mạnh mẽ, với tốc độ nhanh, kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến người có thu nhập thấp, đối tượng chính sách… Những đối tượng này khó tiếp cận được các chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, tình trạng mất cân đối trong cơ cấu nhà ở đô thị ngày càng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn xã hội.
Nêu vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, giải pháp về cơ chế, chính sách và tổ chức thực thi đối với nhà ở xã hội sẽ góp phần bảo đảm an sinh và công bằng xã hội.
Yêu cầu cơ bản đặt ra đối với đoàn giám sát là phải đề cao trách nhiệm, góp phần “giải mã” được thực chất những vấn đề thực tiễn đang đặt ra để quá trình tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật tốt hơn.
Trên cơ sở đó, ông Trần Thanh Mẫn yêu cầu rà soát, điều chỉnh về tiến độ làm việc với bộ, ngành, địa phương, không dồn lịch làm việc vào giai đoạn cuối, tránh bị động.
Tổng Hợp
(Dân Việt, Tiền Phong)