Lợi nhuận ngân hàng nhỏ giảm mạnh, nợ xấu ngành ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng.
PGBank đạt lợi nhuận sau thuế hơn 120 tỷ đồng trong quý II/2023, tăng 27%; nâng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2023 lên gần 243 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023.
Saigonbank đạt gần 79 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý II năm nay, tăng 2%; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt hơn 183 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, VietBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý II/2023 giảm 38% so với cùng kỳ, xuống 171,6 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng có lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 369 tỷ đồng và 294 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ.
VietABank lãi trước thuế 522 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, giảm 16% so với cùng kỳ. Con số này tại LPBank là 2.446 tỷ đồng, giảm 31,8% so với cùng kỳ.
Tại BVBank, lợi nhuận trước thuế trong quý II/2023 chỉ đạt 13 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 là 39 tỷ đồng, giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2022, mặc dù dư nợ tín dụng đạt gần 53.900 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cuối năm 2022, thuộc nhóm các ngân hàng có tăng trưởng dư nợ tốt.
Với ABBank, lợi nhuận sau thuế quý II/2023 là 52,5 tỷ đồng, giảm 94%; lũy kế 6 tháng đầu năm nay là hơn 541 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, BaoVietBank lãi trước thuế quý II/2023 gần 18 tỷ đồng, tăng 1%; lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 là 25 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022.
TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, lợi nhuận nhiều ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023 giảm do khó khăn chung của nền kinh tế dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp, biên lãi ròng thu hẹp và nợ xấu tiềm ẩn khiến trích lập dự phòng rủi ro tăng.
Tính đến cuối tháng 6/2023, tín dụng toàn hệ thống ghi nhận mức tăng trưởng 4,03%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 9,35% cùng kỳ năm 2022, bởi nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp và cá nhân yếu đi trong bối cảnh lãi suất cao, đơn hàng suy giảm, các thị trường đầu tư tài sản không thuận lợi.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, VietABank trích lập 38 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,7 lần cùng kỳ. Đáng lưu ý, tổng nợ xấu tính đến cuối quý II/2023 của VietABank tăng 73% so với đầu năm nay, lên 1.660 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ tăng đột biến từ 30 tỷ đồng lên 729 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng vọt từ 1,53% lên 2,49%.
Saigonbank dành hơn 85 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong nửa đầu năm 2023, nhưng con số này giảm 53% so cùng kỳ. Chất lượng nợ vay của Saigonbank suy giảm khi tổng nợ xấu tính đến 30/6/2023 là 441 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm nay và nợ nghi ngờ tăng mạnh. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,12% lên 2,3%.
ABBank trích lập gần 815 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong nửa đầu năm nay, gấp 3,7 lần cùng kỳ. Ngân hàng lý giải, nợ xấu tăng dẫn tới thoái lãi cho vay và tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Tổng nợ xấu tính đến ngày 30/6/2023 tại ABBank là 3.820 tỷ đồng, tăng 61% so với đầu năm, dù các khoản nợ xấu đều có tài sản đảm bảo, khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,88% lên 4,55%.
Tại BaoVietBank, nợ xấu tính đến cuối quý II/2023 tăng 58% so với đầu năm nay, lên mức 1.756 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất, gấp 2 lần cùng kỳ và chiếm 87% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 3,34% lên 4,69%. Do đó, Ngân hàng đã phải trích lập 324 tỷ đồng dự phòng rủi ro tính riêng trong quý II/2023 (quý I/2023 không trích lập dự phòng), gấp 7,7 lần quý II/2022.
Nợ xấu ở LPBank tăng 65% trong 6 tháng đầu năm 2023, lên 5.656 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,46% lên 2,23%.
TS. Nguyễn Hữu Huân nhìn nhận, các ngân hàng đã được tái cơ cấu nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, song do tác động của kinh tế khó khăn, sức khỏe doanh nghiệp suy yếu khi sức mua giảm khiến khả năng trả nợ vay giảm. Thêm vào đó, thị trường bất động sản vẫn ảm đạm, trong khi đây là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay. Chính vì vậy, nợ xấu của ngành ngân hàng đã và đang gia tăng.
Tổng Hợp
(ĐTCK)