Trong 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ liên tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành từ 0,5-2%/năm, các giao dịch trên thị trường liên ngân hàng được thông suốt, tỷ giá ổn định góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước kêu gọi các tổ chức tín dụng đồng thuận giảm lãi suất huy động, trên cơ sở đó giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dành 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi các dự án nhà ở xã hội, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và lĩnh vực bất động sản…
“Chúng tôi luôn thấu hiểu những trăn trở của Chính phủ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước làm thế nào để khơi thông dòng vốn để các doanh nghiệp có vốn kinh doanh. Chúng tôi cũng hiểu và nhận thức được rằng thực hiện chủ trương của Chính phủ không chỉ là chấp hành các chỉ đạo của cấp trên, mà còn là cơ hội để chúng tôi triển khai các kế hoạch phát triển kinh doanh, cơ hội tìm kiếm, tiếp cận khách hàng, gia tăng giao dịch với khách hàng khi khách hàng đã vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh doanh”, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), phát biểu tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây.
Theo ông Phan Đức Tú, trong 6 tháng đầu năm 2023, BIDV đã đưa ra 25 gói tín dụng ưu đãi với tổng quy mô 484 nghìn tỷ đồng, mức giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp từ 0,5%/năm – 2%/năm, đối với khách hàng cá nhân từ 1%/năm – 1,5%/năm.
Từ ngày 11/5/2023, BIDV tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế với mức giảm từ 0,3%/năm – 0,8%/năm. Đến thời điểm 30/6/2023, dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN tại BIDV khoảng hơn 20 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, ngân hàng này cũng triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 và Văn bản 2308/NHNN-TD của NHNN với quy mô số tiền giải ngân 30.000 tỷ đồng. BIDV là ngân hàng đầu tiên công bố việc phê duyệt cấp tín dụng đối với một dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ vào chương trình.
Ở một đơn vị lớn khác, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank đã chủ động chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, theo đó, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng theo phương châm an toàn, hiệu quả. Ngay từ đầu năm, Vietcombank đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các chi nhánh ở mức xấp xỉ 13%. Đây là một KPI trọng yếu bên cạnh KPI về kiểm soát chất lượng tín dụng.
“Lũy kế đến hết ngày 30/6/2023, Vietcombank đã giảm gần 1.300 tỷ đồng tiền lãi cho hơn 242.000 lượt khách hàng với dư nợ lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm gần 87% tổng dư nợ của Vietcombank”, Tổng giám đốc Vietcombank nói.
“Nếu so sánh với cuối năm ngoái và đầu năm nay, khi lãi suất huy động toàn hệ thống có lúc lên tới 10% thì đến nay đã giảm. Ngân hàng cũng chấp nhận giảm lợi nhuận của mình. Có những ngân hàng lớn như BIDV… qua việc giảm lãi suất đã giảm lợi nhuận hơn 2.000 tỷ đồng, VPBank đã giảm lãi suất hơn 1.000 tỷ đồng, mức giảm từ 2-3%”, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank chia sẻ. Ghi nhận từ thị trường cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại đã thực hiện một số giải pháp chính nhằm giảm lãi suất cho vay và tăng tiếp cận tín dụng.
Tổng Hợp
(VnEconomy)