“Tăng thanh khoản, giảm nhiều rủi ro”, là đánh giá chung của các chuyên gia khi “sân chơi” cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp chính thức vận hành.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định, hệ thống giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chính thức hoạt động là một bước phát triển mới của thị trường TPDN. Sàn giao dịch này không chỉ giúp nhà đầu tư có điều kiện tiếp cận thông tin rõ ràng về giá cả, cung cầu của các mã trái phiếu, mà còn giúp giảm bớt áp lực cho chính doanh nghiệp phát hành khi có thêm một kênh giao dịch hỗ trợ thanh khoản cho những TPDN riêng lẻ đã phát hành.
Đặc biệt, sự ra đời của sàn giao dịch này rất có lợi cho nhà đầu tư. Bởi, theo ông Phương, từ trước đến nay, nhà đầu tư có mua bán trái phiếu (ở đây là trái phiếu doanh nghiệp) thì đa phần giao dịch giống như giao dịch cổ phiếu trên sàn OTC. Có nghĩa là hoặc họ mua lần đầu (mua trực tiếp) từ doanh nghiệp, hoặc nếu có (cũng không nhiều) là chuyển nhượng mang tính cá nhân giữa các nhà đầu tư với nhau, chứ không được giao dịch trên một thị trường chính thống.
“Tiền lệ này có một số vấn đề. Thứ nhất là tính thanh khoản không cao do phải tự tìm người mua người bán, thứ hai là tính rủi ro rất cao do không có hệ thống, cơ chế nào hỗ trợ cho những nhà đầu tư này. Mọi việc dựa trên niềm tin, lòng tin là chính”, ông Phương nói.
Ngoài ra, do TPDN chưa được giao dịch trên một sàn nhất định nào đó nên các quy định, quy chế cũng không rõ ràng, dẫn đến tính minh bạch, công khai, công bằng không cao.
“Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của các cơ quan quản lý đã cố gắng thiết lập thị trường trái phiếu một cách chuyên biệt như vậy. Thị trường này sẽ mở ra cơ hội cho nhiều nhà đầu tư khác khi họ có niềm tin hơn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư muốn giao dịch cũng tìm đến được ‘địa chỉ’ giao dịch chính thống, từ đó thu hút dòng tiền và sự quan tâm của nhà đầu tư nhiều hơn”, ông Phương nói thêm.Ông Trần Bá Duy, Giám đốc Phòng tư vấn đầu tư – Công ty CP chứng khoán VPS, thì cho hay, nhìn chung định hướng thiết lập ra thị trường này theo quan điểm cá nhân thì sẽ giúp các doanh nghiệp gỡ những khúc mắc trong việc phát hành trái phiếu.
“Nói chung đây cũng là một cách để giúp doanh nghiệp được bơm vốn, có thể thanh khoản trong vấn đề phát hành sau này. Theo đó, thị trường này được đưa ra cũng giúp các doanh nghiệp có nhiều điều kiện hơn trong việc phát hành và lưu hành trái phiếu sau này”, ông Duy nhận định.
Cũng theo ông Trần Bá Duy, Giám đốc Phòng tư vấn đầu tư – Công ty CP chứng khoán VPS, định hướng của Chính phủ là phát triển thị trường trái phiếu mạnh hơn thời gian tới vì so với các nước khu vực Đông Nam Á thì thị trường trái phiếu của Việt Nam vẫn còn rất nhỏ.
“Thị trường nào cũng có cơ hội và rủi ro riêng của nó, tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân thì thị trường trái phiếu riêng lẻ hiện có hơi hướng đang phục vụ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư tổ chức hơn là các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Bởi các quy định hơi rắc rối, phức tạp về định giá trái phiếu, kỳ hạn… vấn đề này hơi khó với các nhà đầu tư cá nhân”, ông Duy nói thêm.
Một chuyên gia phân tích của Chứng khoán SSI thì nhận định, đối với một sàn giao dịch mới, việc cung cấp thông tin của doanh nghiệp phát hành cũng như kiểm soát các giao dịch mang tính thao túng hoặc làm giá cần được thực hiện một cách nghiêm túc.
Có như vậy thì mới xây dựng được niềm tin cho nhà đầu tư, bảo đảm họ được tiếp cận thông tin về giá khớp, đánh giá đúng giá trị trái phiếu giao dịch.
“Để tham gia sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ, các tổ chức phát hành phải công bố rõ ràng về trái phiếu phát hành, hoàn toàn chịu trách nhiệm về nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi cho nhà đầu tư. Bản thân nhà đầu tư khi tham gia vào sàn trái phiếu riêng lẻ cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin và thẩm định kỹ càng về trái phiếu trước khi đầu tư vì trách nhiệm chi trả mọi nghĩa vụ gốc và lãi trái phiếu là thuộc về tổ chức phát hành, sàn giao dịch không bảo đảm nghĩa vụ này”, chuyên gia này cũng lưu ý.
Từ ngày 19/7, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ chính thức vận hành.
Dự kiến, có khoảng 1.600 mã TPDN riêng lẻ được đưa lên niêm yết. Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, chứng khoán, việc hệ thống giao dịch TPDN chính thức vận hành sẽ giúp các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có cơ hội tiếp cận được nhiều nhà đầu tư hơn, qua đó giúp khơi thông nguồn vốn từ trái phiếu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tổng Hợp
(Dân Việt)