Bên cạnh câu chuyện lãi suất tiết kiệm giảm thì các chính sách thu hút tài khoản mới, kích hoạt tài khoản cũ lâu không giao dịch cũng được các công ty chứng khoán đẩy mạnh. Đặc biệt là chính sách ưu đãi phí 0% cho nhà đầu tư mở mới, hay ưu đãi lãi suất margin được triển khai tại nhiều công ty nhờ chi phí vốn giảm.
Thời điểm này, nhiều chuyên gia chứng khoán cùng chung nhận định, trong nửa cuối năm 2023, nhà đầu tư vẫn ở lại thị trường, thậm chí rót thêm tiền vào tài khoản vì nhu cầu đầu tư, lượng tiền nhàn rỗi tăng lên.
Thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, nên sẽ hồi phục trước sự hồi phục của nền kinh tế và ngược lại. Với kỳ vọng nền kinh tế đã đi qua giai đoạn xấu nhất và có khả năng hồi phục vào năm sau thì thị trường chứng khoán càng có cơ sở để hút dòng tiền. Chưa kể, chi phí vốn khi đầu tư vào chứng khoán giảm rất nhiều, các công ty chứng khoán chạy đua miễn phí giao dịch, cộng với lãi suất cho vay margin bắt đầu hạ nhiệt, nên nhà đầu tư thấy điều kiện để họ kiếm lời trên thị trường chứng khoán rất lớn.
Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán nằm trong Top đầu thị phần, hiện quản lý tổng tài sản khách hàng khoảng 2.500 tỷ đồng cho biết, khách hàng mở tài khoản không quá nhiều, nhưng cứ mở là nộp tiền vào. Tiền mới nạp vào tài khoản khá nhiều.
“Tháng 6, tôi có 4 tài khoản lớn mở mới, tài khoản nộp vào ít nhất cũng hơn 20 tỷ đồng, có tài khoản nộp vào 60 tỷ đồng”, vị này cho biết.
Theo vị giám đốc môi giới, năm 2022 là năm nhiều mất mát của giới đầu tư chứng khoán, nhiều nhà đầu tư rút bớt tiền từ tài khoản đổ vào đầu tư bất động sản và hiện đang bị “kẹp” thanh khoản. Vì vậy, lượng khách hàng cũ quay lại đầu tư được khoảng 70%, nhưng con số tuyệt đối về tiền tham gia thì chắc chắn ít hơn giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ năm 2021. Với các môi giới lâu năm thì lượng khách hàng mới tăng khoảng 20% và cứ mở là nộp tiền vào. Với các môi giới trẻ, lượng tài khoản mở mới tăng gấp 2 – 3 lần, nhưng nộp tiền thì tỷ lệ khoảng 30%.
Số liệu thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, trong tháng 6 vừa qua, có hơn 145.800 tài khoản mở mới, tăng hơn 45.000 tài khoản so với tháng trước và là mức cao nhất trong vòng 10 tháng qua. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội tăng mạnh sau nhiều tháng sụt giảm.
Ghi nhận ý kiến thành viên thị trường, số tài khoản mở mới trong tháng 5 và tháng 6 bùng nổ một phần đến từ việc các công ty chứng khoán chạy chương trình thi đua mở tài khoản. Dự kiến, số tài khoản mở mới còn tiếp tục tăng nhờ sự thúc đẩy từ phía các công ty chứng khoán.
Nhà đầu tư quay trở lại, tiền chảy nhiều hơn vào thị trường chứng khoán là rõ rệt. Nhiều khoản cho vay qua trái phiếu doanh nghiệp đã và sắp đáo hạn, các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng tới 1 năm từ thời điểm lãi suất tiền gửi đạt đỉnh hồi cuối năm 2022 cũng dần đáo hạn… và dòng tiền này sẽ tìm kiếm các kênh đầu tư mới có lợi suất cao hơn kênh tiết kiệm (khi mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh) như chứng khoán.
Các nhà đầu tư tham gia thị trường giai đoạn này hầu như là nhà đầu tư có kinh nghiệm, lựa chọn theo nhóm ngành rõ ràng, ví dụ như đầu tư công, bán lẻ, vật liệu, dầu khí, chứng khoán… Lượng nhà đầu tư đổ tiền vào nhóm cổ phiếu penny đang ít dần.
Thị trường sôi động, dòng tiền margin từ các công ty chứng khoán dồi dào cũng được bơm ra thị trường. Hiện lượng cho vay của các công ty chứng khoán hầu như nằm ở khoảng 50 – 60% so với đỉnh năm 2022.
“Thị trường chứng khoán đang hấp thụ tiền tốt, rất nhiều khách hàng đã full margin”, giám đốc môi giới này cho biết.
Trong hơn 1 tháng gần đây, nhà đầu tư thường xuyên chứng kiến các phiên giao dịch có giá trị trên 15.000 tỷ đồng trên sàn HOSE, nhiều phiên có thanh khoản trên 20.000 tỷ đồng.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, về cơ bản, nhà đầu tư cá nhân trong nước quay lại với thị trường chứng khoán có lượng giải ngân không nhiều như thời điểm năm 2021, hay đầu năm 2022.
Ông Minh phân tích, trong 3 tháng đầu năm, nhà đầu tư cá nhân có nộp tiền vào tài khoản nhưng khá rụt rè, lượng tài khoản mở mới thấp. Từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4, số lượng nhà đầu tư đẩy tiền vào tài khoản chứng khoán đã tăng lên, một phần do đợt đáo hạn tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và mặt bằng lãi suất tiết kiệm bắt đầu hạ sau khi Ngân hàng Nhà nước có động thái hạ lãi suất điều hành và các ngân hàng thương mại cũng hạ lãi suất huy động khi thanh khoản hệ thống dồi dào. Từ tháng 5, nhà đầu tư bắt đầu tăng quy mô đầu tư vào thị trường chứng khoán. Việc khai thác khách hàng mới của các công ty chứng khoán theo đó cũng dễ dàng hơn trong quý II.
Nhưng theo ông Minh, có một vấn đề tồn đọng là nhà đầu tư bị lỗ nặng kể từ đỉnh VN-Index vào tháng 4/2022 có 2 trạng thái. Một là, họ không quan tâm thị trường do đã chấp nhận cắt lỗ và nhìn nhận thị trường từ tháng 4 tới nay tuy có hồi phục nhưng chưa lấy lại mốc rõ ràng.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết chưa cải thiện thì họ càng có lý do chưa quay trở lại thị trường. Hai là, đối tượng vẫn “ôm hàng” từ năm ngoái đến nay, NAV bị thiệt hại nặng nề, có nhà đầu tư bỏ vào 40 tỷ đồng nhưng giảm quá nửa, nên những nhà đầu tư này rơi vào trạng thái “mê sảng” với thị trường. Họ quá sợ nên nằm im, không nộp thêm tiền vào tài khoản, “số lượng này cũng nhiều”.
Một điểm tích cực, theo ông Minh, là giai đoạn 2020 – 2021, thị trường hút được một lượng lớn nhà đầu tư mới, nhất là người trẻ tuổi, họ chấp nhận cắt lỗ và thị trường có sóng thì trở lại. Tất nhiên, độ hào hứng không còn như năm 2021.
Tổng Hợp
(ĐTCK)