Thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang thừa, tốc độ tín dụng đang tăng trưởng chậm.Mặt bằng lãi suất đang tiếp tục giảm, lãi suất liên ngân hàng đang ở mức rất thấp, tuy vậy nhiều vấn đề “khác thường” đã khiến cho tăng trưởng tín dụng nền kinh tế tăng rất chậm…
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng thấp hay còn gọi là tiền “bị ế” ở các ngân hàng rất rõ ràng.
“Nếu chúng ta không có thị trường để bán hàng thì đằng sau đó là việc sản xuất kinh doanh đình trệ. Như vậy, không có cơ hội kinh doanh, không có đơn hàng thì cầu tín dụng rất thấp, phản ánh qua con số tăng trưởng tín dụng chỉ hơn 4% trong 6 tháng đầu năm”, ông Thành nói.
Khó khăn xuất phát từ thị trường trong nước và ngoài nước, việc thiếu hụt đơn hàng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi doanh nghiệp không có phương án phát triển khả thi thì việc đáp ứng được các đòi hỏi của hệ thống ngân hàng là rất khó.
Thứ hai, khu vực bất động sản hiện đang chiếm trên 20% tổng dư nợ tín dụng và trong những năm qua lĩnh vực này tăng trưởng khá tốt. Song hiện nay, khu vực bất động sản gặp nhiều khó khăn nên nhu cầu tín dụng cũng giảm theo.
Chuyên gia Võ Trí Thành bày tỏ hy vọng thời gian tới, nhiều dự án bất động sản sẽ được tháo gỡ khó khăn về pháp lý, tái cấu trúc thị trường khi đó, cầu tín dụng có thể tăng trưởng mạnh hơn.
Đứng ở góc độ kỹ thuật, TS. Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN lại cho rằng, ngoài lý do doanh nghiệp hấp thụ vốn kém khiến tín dụng tăng trưởng thấp thì còn có cả vấn đề về kỹ thuật.
Nguồn vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng trưởng rất thấp, chỉ hơn 3%, tức là các NHTM không đáp ứng được chỉ số về quản trị theo Basel 2, chỉ được cho vay 80% trên vốn huy động ở thị trường 1 (nơi tổ chức tín dụng huy động tiền gửi của dân và tổ chức trong nền kinh tế).
Hiện nay, có khoảng 10 NHTM cho vay vượt mức 80%, thậm chí có NHTM cho vay hơn 100% vốn huy động ở thị trường 1. “Họ đã vượt qua ngưỡng an toàn cho vay và không thể cho doanh nghiệp có nhu cầu vốn vay nữa”, ông Hoè nói.
Bên cạnh đó, tín dụng muốn ra được thì tổng cầu của nền kinh tế phải được kích lên. Nhưng tổng cầu của nền kinh tế thấp như thế này, nhu cầu tiêu dùng của dân và doanh nghiệp rất ít, các doanh nghiệp rất khó khăn.
Dòng tiền không có, không luân chuyển được thì họ không có nhu cầu vay vốn vì vay về là chịu lãi suất. Vì vậy, điều quan trọng nhất trong lúc này là cần phải kích cầu chứ không phải lo ngại chuyện lạm phát.
“Chúng ta có gói 350.000 tỷ đồng gói kích thích kinh tế nhưng triển khai chậm chạp. Cần đẩy mạnh hơn nữa chính sách tài khóa, khoản nào miễn được thì nên miễn luôn; còn gói an sinh xã hội thì cần cấp thẳng, trực tiếp vào tài khoản của các gia đình khó khăn,… thì mới tăng được cầu của nền kinh tế”. TS. Phạm Xuân Hoè cho hay.
Đánh giá cao việc NHNN đã giảm lãi suất điều hành liên tục trong thời gian gần đây, song theo TS. Võ Trí Thành, từ việc giảm lãi suất điều hành đến giảm lãi suất trên thị trường, lãi suất huy động, lãi suất cho vay, nhất là giảm lãi suất huy động trên một năm thì sẽ có độ trễ thời gian. Trong khi đó, quan trọng hơn với doanh nghiệp lúc này là đơn hàng.
“Giảm lãi suất là vấn đề quan trọng. Chúng đã giảm và sẽ tiếp tục có thể giảm nhưng đây không phải liều thuốc vạn năng để thúc đẩy tăng trưởng”, TS. Thành nói.
Giảm lãi suất phải gắn liền với rất nhiều biện pháp khác và tổng thể là phải làm sao để kích cầu. Trong đó, quan trọng nhất là thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tiếp tục duy trì đà tiêu dùng không suy giảm và giảm bớt khó khăn cho xuất khẩu.
Ông đề xuất, các bộ ngành liên quan cần triển khai hoặc xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất quốc tế; tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp khai thác hiệu quả các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống; đồng thời, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm, mở rộng thị trường mới.
Tổng Hợp
(VietnamBiz)