Thời gian gần nay, thị trường địa ốc dường như nóng lên với thông tin khởi công 2 tuyến đường quan trọng tại 2 đô thị lớn nhất cả nước là Vành đai 4 vùng Thủ đô và Vành đai 3 vùng TP.HCM. Nhưng làm sao để hình thành lên các khu đô thị “sống” dọc các tuyến đường lại là vấn đề.
Không chỉ địa phương nơi các tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô hay Vành đai 3 vùng TP.HCM đi qua, nhiều địa phương khác cũng đang tất bật lên kế hoạch “đón lõng” quy hoạch hạ tầng giao thông, từ đó thu hút các nhà đầu tư lớn về đây phát triển dự án.
Chẳng hạn, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sắp tới sẽ có 16 dự án xây dựng trọng điểm gồm các tuyến đường ven biển, kết nối vùng, đê bao chống sạt lở, hồ trữ nước ngọt… được đề xuất đầu tư với tổng vốn hơn 94.300 tỷ đồng. Tại diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long” mới đây, nhiều doanh nghiệp đánh giá cao tiềm năng của khu vực này trong phát triển kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản.
Thực tế, không ít nhà phát triển bất động sản lớn như Vingroup, T&T, DIC Corp… đã đầu tư tại Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều dự án tạo được sức hút lớn. Chẳng hạn, dự án Victory City Hậu Giang của DIC Corp đang dẫn đầu khu vực phía Nam về thanh khoản từ đầu năm 2023 tới nay, cho dù thị trường khó khăn. Dẫu vậy, so với tầm nhìn quy hoạch, các dự án vẫn còn hạn chế cả về quy mô lẫn số lượng.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông – Vận tải, trong giai đoạn 2011-2015, số vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long bằng 12,5% tổng vốn đầu tư của cả nước. Giai đoạn 2016-2020, toàn vùng nhận được 65.000 tỷ đồng vốn đầu tư (tương đương hơn 15% tổng vốn đầu tư của cả nước) và dự kiến giai đoạn 2021-2025, vốn ngân sách trung ương đầu tư cho khu vực này là 86.000 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 14%) phần nào cho thấy sự ưu tiên đầu tư của Chính phủ cho khu vực này.
Thế nhưng, các dự án giao thông trọng điểm này sử dụng nguồn vốn đầu tư lớn, lại diễn ra trên diện rộng, đòi hỏi nhiều thời gian triển khai, cộng thêm khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng… nên chậm tiến độ, từ đó thị trường bất động sản khu vực chưa thể “cất cánh”.
Theo KTS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc phát triển đô thị bền vững luôn đòi hỏi sự đồng bộ giữa quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng dự án theo quy hoạch. Trong đó, phát triển hệ thống giao thông là yêu cầu then chốt và giao thông luôn phải đi trước một bước.
Những năm trước, vào các dịp lễ hay cuối tuần, Phan Thiết không phải là điểm đến ưu tiên đối với du khách, nên việc đặt phòng khá dễ dàng. Tuy nhiên, năm nay, thông tin ngày 30/4/2023, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết chính thức thông xe khiến cho không chỉ nhiều điểm du lịch của Bình Thuận “cháy” phòng từ rất sớm mà ngay cả những bà con buôn bán nhỏ ở đây cũng khấp khởi chuẩn bị hàng hóa chu đáo đón chờ dòng người đến Phan Thiết, Mũi Né… trong kỳ nghỉ lễ dài ngày này.
Theo ghi nhận từ các đơn vị vận hành cho thuê tại các điểm du lịch Bình Thuận, hầu hết các khu lưu trú hiện không còn phòng. Bà Dịu Vũ, nhà đầu tư đang vận hành cho thuê các căn villa cá nhân thuộc dự án NovaWorld Phan Thiết, cho biết du khách liên hệ đặt phòng từ rất sớm. Các căn villa mà bà sở hữu hiện tại đã kín phòng từ ngày 29/4-1/5 và các khu khác theo tìm hiểu, tình hình cũng rất khả quan. Mức giá cơ sở áp dụng cho dịp lễ, theo thông tin từ nhà đầu tư này, dao động khoảng 5-8 triệu đồng/đêm và không phụ thu phí.
“Có thể vừa rồi vé máy bay tăng mạnh nên những điểm đến thuận lợi giao thông thu hút đông đảo khách du lịch trong dịp nghỉ lễ này”, bà Dịu Vũ nhận xét.
Tương tự, khu lưu trú Centara Mirage Resort Mui Ne (Mũi Né, Phan Thiết) cũng đạt công suất phòng tối đa vào dịp lễ 30/4-1/5. Theo ông Vipul Kamboj, Giám đốc Bộ phận kinh doanh và tiếp thị resort này, toàn bộ phòng đã được lấp đầy vào dịp lễ, resort phải mở thêm khu mới để tránh tình trạng quá tải, ảnh hưởng trải nghiệm du khách. Ước tính số lượng khách nghỉ dưỡng tại đây rơi vào khoảng 2.000 người, chủ yếu là du khách trong nước.
Tổng Hợp
(ĐTCK)