Dòng tiền đã sẵn sàng chảy nhưng nhà đầu tư bất động sản vẫn thờ ơ. Tâm lý thị trường còn tiêu cực, cộng với lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao là điểm cốt yếu làm thị trường chưa khởi sắc.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản tính đến cuối tháng 5/2023 đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,4% so với cuối năm 2022 (2,58 triệu tỷ đồng).
Trong đó, tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm vẫn tăng tới 14%, cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên tín dụng cho tiêu dùng bất động sản lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%.
Phía NHNN cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nên tín dụng còn đang thấp. Do đó, việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà cũng là một trong những giải pháp để có thể thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực này.
Có thể thấy, nhà đầu tư bất động sản cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư trong bối cảnh lãi suất cho vay vẫn cao hơn giai đoạn 2020-2021.
Thực tế, tính đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay toàn hệ thống là 12,4 triệu tỷ đồng, chỉ tăng hơn 4,7% so với cuối 2022. Nguyên nhân không tín dụng tăng chậm không phải do thiếu “room” mà do doanh nghiệp gặp khó khăn trong bối cảnh khó có đơn hàng và lãi suất cao.
Ngoài ra, theo lãnh đạo NHNN, thị trường bất động sản chưa sôi động lại, nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả những dự án bất động sản thương mại và nhà ở xã hội chưa được triển khai nhiều mặc dù NHNN tạo điều kiện về tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, sẵn sàng đẩy mạnh những lĩnh vực tỷ lệ rủi ro thấp,…
Trong một diễn biến liên quan, NHNN vừa phân bổ tiếp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14% năm nay. Theo nhà điều hành, việc phân bổ “room” lần này giúp các nhà băng kịp thời cung ứng thêm vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Giai đoạn từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023, lãi suất vay mua nhà thả nổi đối với các khoản vay mới tại các ngân hàng thương mại rơi vào khoảng 14%-15%/năm, tương đối cao so với mức 10-12%/năm trong nửa đầu năm 2022 do dư địa tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng bị hạn chế và việc NHNN tăng lãi suất điều hành 200 điểm cơ bản vào tháng 9-10/2022.
Sau khi NHNN cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mới và NHNN giảm 125 điểm cơ bản trần lãi suất huy động từ đầu năm 2023 đến nay, lãi suất vay mua nhà thả nổi tại các ngân hàng tư nhân đã giảm xuống mức 13% – 13,5%/năm trong tháng 6 so với mức cao nhất khoảng 14,5%/năm vào tháng 2, theo Chứng khoán Vietcap.
Mặc dù vậy, mức lãi suất này vẫn cao. Giới phân tích cho rằng thị trường bất động sản sẽ có thể ấm trở lại khi lãi suất vay mua nhà giảm về mức khoảng 10-11%/năm.
“Có tiền mặt sẵn trong người lúc này chưa chắc nhiều người đã hứng thú mua bất động sản, huống hồ là đi vay vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng với lãi suất cao để đầu tư trong lúc thị trường vẫn còn im ắng. Đấy là quan sát và suy nghĩ của tôi sau vài năm lăn lộn với thị trường, còn nếu ai tìm được cơ hội tốt lúc này thì vẫn có thể cân nhắc xuống tiền”, một nhà đầu tư bất động sản cá nhân ở Hà Nội chia sẻ.
Trong giai đoạn này, doanh nghiệp cần rà soát toàn bộ danh mục dự án, phân loại dự án theo nhiều hướng như bán buôn, bán lẻ hay đưa ra thị trường trước sản phẩm đủ điều kiện pháp lý, có thể thu hút người sử dụng, tiềm năng để đầu tư. Đồng thời cần có chính sách bán hàng hấp dẫn, linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng như thanh toán sớm, thanh toán dài, cần hỗ trợ ngân hàng với tỷ lệ vay đa dạng.
Đối với các dự án chưa thể tung ra thị trường thì cũng xem xét cân đối đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thủ tục, cân nhắc hợp tác đầu tư với các chủ đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm, tài chính đang rất muốn tham gia thị trường với cấu trúc hợp tác phát huy rõ thế mạnh của mỗi bên. Trong đó, cải thiện dòng tiền cho dự án là một trong những nhiệm vụ trong tâm cần hướng đến.
Tổng Hợp
(VietnamBiz)