Từ đầu tháng 7/2023, nhiều ngân hàng gia nhập cuộc đua giảm lãi suất cho vay, thậm chí có nơi công bố mức lãi vay mới chỉ từ 5%/năm. Người mua nhà ám ảnh “lãi suất thả nổi”…
So với đầu năm, lãi suất cho vay tại các ngân hàng tư nhân đã giảm từ 0,5-2%/năm, nhiều khoản cho vay cũ đã được đưa về dưới mức 14%/năm, trong khi nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) đưa lãi suất cũ về dưới 11%/năm.
Theo ông Lê Thành Chung – Tổng giám đốc SGO Homes, mặt bằng lãi suất cho vay giảm vừa tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường, vừa giảm căng thẳng cho các bên: Chủ đầu tư giảm được chi phí đầu vào, người mua bớt lưỡng lự trong việc vay mua nhà, còn các đơn vị phân phối cũng sẽ chủ động hơn trong việc phối hợp với chủ đầu tư đưa ra các chương trình ưu đãi bán hàng phù hợp.
Dẫu vậy, hiệu ứng lãi vay giảm, như quan điểm của ông Chung, mới chỉ ở mức “giảm bớt căng thẳng” chứ chưa “thực sự gỡ bỏ áp lực”, bởi lãi suất cho vay dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao so với khả năng chi trả của phần lớn người có nhu cầu vay mua nhà hiện nay.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm 2023 của toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt trên 3% – thấp hơn nhiều so với mức 8-9% năm của cùng kỳ năm trước cho thấy vốn tín dụng lưu thông chậm, cho dù thanh khoản ở các ngân hàng đang dồi dào.
Điểm đáng chú ý, theo phân tích của các chuyên gia, chính sách của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu mang tính chất định hướng nên sẽ chỉ tác động đến các khoản vay ngắn hạn, còn các khoản tín dụng dài hạn chưa thay đổi nhiều, trong khi các khoản vay mua bất động sản thường là dài hạn, dẫn tới khả năng giảm lãi suất cho vay nhóm khách hàng của lĩnh vực này chưa như kỳ vọng.
Đầu tháng 7/2023, nhiều ngân hàng công bố mức lãi suất cho vay từ 10%/năm, nhưng chỉ áp dụng trong thời gian đầu (thường là 12 tháng), sau đó được thả nổi với biên độ cộng thêm từ 4-4,5%/năm, tức lãi vay thực tế là 14-14,5%/năm. Mức phí phạt trả trước cũng khá cao, có thể lên tới trên 4%/năm. Một số ngân hàng cho vay mua nhà với lãi suất rất thấp từ 4,9%/năm, nhưng chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, hết ưu đãi sẽ tăng lên theo mặt bằng chung vốn có nhiều biến số.
Theo quy luật cung – cầu, khi nguồn cung ít thì giá bán sẽ cao, nên lãi suất cho vay các khoản trung – dài hạn khó giảm sâu. Chưa kể, không chỉ cơ quan điều hành, mà ngay cả các đối tác, cổ đông chiến lược của ngân hàng cũng có yêu cầu phải đảm bảo sự phù hợp trong kỳ hạn của nguồn vốn huy động và khoản vay. Đặc biệt, sau sự đổ vỡ của một số ngân hàng lớn trên thế giới vừa qua, các yêu cầu này còn khắt khe hơn. Vì thế, nếu muốn cho vay dài hạn, các ngân hàng sẽ phải tăng cường huy động nguồn vốn dài hạn, mà điều này là không dễ dàng khi mặt bằng lãi suất huy động đang xuống thấp như hiện nay.
Một điểm đáng lưu ý, theo phân tích của nhóm nghiên cứu tới từ Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), báo cáo tài chính quý I/2023 của 27/28 ngân hàng niêm yết cho thấy, chi phí trả lãi tiền gửi đã tăng mạnh hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 9 ngân hàng tăng đến hơn 100%. Ngoài ra, các chi phí trả lãi tiền vay, trả lãi phát hành giấy tờ có giá… cũng tăng tại hầu hết các ngân hàng. Điều này lý giải phần nào nguyên nhân lãi suất cho vay chưa thể giảm mạnh như kỳ vọng.
Tổng Hợp
(ĐTCK)