Thực tế, những tranh luận về phương hướng phát triển của nền kinh tế thế giới đã âm ỉ trong thời gian dài. Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dần mờ nhạt…
“Từ trước đại dịch, chúng ta đã thấy các nước giàu có nhất thất vọng về thương mại toàn cầu. Họ tin rằng điều này gây hại cho việc làm và tiêu chuẩn sống của họ”, bà Betsey Stevenson, cựu thành viên hội đồng cố vấn kinh tế Mỹ chia sẻ với The New York Times.
Bắt đầu với đại dịch Covid-19, hàng loạt cuộc khủng hoảng liên tiếp đã bộc lộ những “lỗ hổng” lớn của nền kinh tế. Tuy vậy, phải đến khi cạnh tranh địa chính trị tăng nhiệt, với đỉnh điểm là cuộc xung đột Nga – Ukraine, các nước phương Tây mới đồng loạt nhìn lại chính sách của mình.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, một số triết gia phương Tây đã cho rằng trật tự kinh tế thế giới thị trường tự do sẽ là tương lai của kinh tế thế giới.
Khi ấy, các thị trường sẽ rộng mở, ít có sự can thiệp từ chính phủ và hướng đến mục tiêu cao nhất là hiệu quả của nền kinh tế.
Giới hoạch định chính sách các nước hoàn toàn có lý do để lạc quan như vậy. Bởi năm 1990, lạm phát ở mức tương đối thấp, trong khi tỷ lệ lao động có việc và mức lương của họ đồng loạt tăng cao. Giá trị thương mại toàn cầu tăng gần gấp đôi và thị trường chứng khoán cũng ngập tràn sắc xanh.
Ở những quốc gia đang phát triển, những người nông dân dần trở thành công nhân trong các nhà máy. Đồ nội thất, thiết bị điện tử, đồ chơi mà họ sản xuất ra đã được bán rộng rãi trên thế giới. Sự phát triển thần kỳ này đã giúp hàng triệu người dân đã thoát khỏi cảnh nghèo đói và thúc đẩy những tiến bộ công nghệ kỳ diệu.
Tại Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác, nhiều việc làm được dịch chuyển sang các nước có mức lương thấp hơn, khiến những người có thu nhập thấp mất cơ hội tiến lên tầng lớp trung lưu.
Tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc của Trung Quốc đã biến nước này thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu.
Các nước đang phát triển cũng hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư mới. Tuy vậy, tác động không phải lúc nào cũng tích cực.
Đại dịch Covid-19 cùng với cuộc xung đột Nga – Ukraine đã khiến giá nhiên liệu, lương thực tăng vọt và tàn phá kinh tế toàn cầu. Lãi suất tăng mạnh càng khiến cuộc khủng hoảng nợ công trở nên trầm trọng hơn.
Kinh tế thị trường tự do buộc các nước nghèo dỡ bỏ các hạn chế với dòng lưu chuyển vốn vào nền kinh tế. Không chỉ vậy, tiền cũng được lưu chuyển tự do hơn giữa các quốc gia và cho phép các nước nghèo đi vay để phát triển công nghiệp và cơ sở hạ tầng.
Trả lời The New York Times, bà Jayati Ghosh, chuyên gia kinh tế tại Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ), cho biết: “Toàn cầu hóa được kỳ vọng rằng có thể mở ra một kỷ nguyên tăng trưởng tài chính mạnh mẽ và ổn định tại các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, kết quả lại không hoàn toàn như vậy”.
Nhiều khoản vay không tạo ra đủ lợi nhuận để trả nợ. Số khác thì rơi vào những dự án đầu cơ thiếu hiệu quả, những đề xuất nửa vời hay các quan chức tham nhũng đã khiến rất nhiều quốc gia ngập trong nợ nần.
Bên cạnh đó, toàn cầu hóa cũng đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu và làm gia tăng bất bình đẳng. Nhu cầu tăng nhanh trên khắp thế giới đã gây ra tình trạng đánh bắt cá quá mức ở Đông Nam Á hay chặt phá rừng trái phép tại Brazil. Bên cạnh đó, quá trình vận chuyển hàng hóa toàn cầu cũng gây ra lượng phát thải khí nhà kính lớn.
Tổng Hợp
(Dân Trí)