Trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 – 5 tháng hiện giảm còn 4,75%/năm, gần bằng mức trước dịch Covid-19.
Hiện tại, biểu lãi suất niêm yết trên website của hầu hết ngân hàng không còn mức lãi suất huy động hơn 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Mức lãi suất huy động cao nhất đối với kỳ hạn này là 8%/năm tại GPBank, áp dụng với hình thức gửi tiền trực tuyến.
Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân quy mô vừa và nhỏ như ABBank, BacABank, VietBank, OceanBank, Nam A Bank, BVBank, SHB, VietABank, NCB, OCB, Eximbank… đều đang niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng ở mức 7,5 – 7,8%/năm. Tại nhóm ngân hàng tư nhân quy mô lớn, mức lãi suất huy động áp dụng cho kỳ hạn 1 năm từ 7 – 7,2%/năm.
Riêng nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, lãi suất tiền gửi 12 tháng là 6,3%/năm. Đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất từ 5%/năm, còn kỳ hạn 1 – 2 tháng là 3,4%/năm.
Sở dĩ lãi suất huy động tiền gửi giảm mạnh trong 3 tháng qua là do tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tăng chậm, tính đến giữa tháng 6/2023 chỉ tăng 3,36% so với cuối năm 2022 và tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, VietinBank lần đầu tiên tăng trưởng tín dụng âm trong tháng 5/2023 và phải “hãm” huy động vốn. Vì thế, khác với tình trạng chạy đua cạnh tranh huy động vốn như trong quý IV/2022 và quý I/2023, các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động nhằm tiết kiệm chi phí, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước có động thái nới lỏng tiền tệ.
Theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại hiện là 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022), lãi suất cho vay bình quân là 8,9%/năm (giảm 1%/năm so với cuối năm 2022). Thanh khoản của các tổ chức tín dụng đang dồi dào, kể cả các ngân hàng nhỏ. Đây là một trong những yếu tố khiến lãi suất đầu vào giảm sâu.
Ông Đào Minh Tú cho hay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục làm việc với các ngân hàng thương mại trên tinh thần trách nhiệm với nền kinh tế, trách nhiệm với doanh nghiệp, tập trung cắt giảm các thủ tục, chi phí hành chính, tiết kiệm chi phí hoạt động…, qua đó giảm lãi suất cho vay. Quyết định này được đưa ra theo chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ nhằm giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng để phục hồi sản xuất – kinh doanh.
Một số tổ chức quốc tế cho rằng, lãi suất có thể sẽ giảm thêm trong quý III/2023. HSBC Việt Nam kỳ vọng, mức giảm sẽ là 0,5%, đưa lãi suất điều hành của Việt Nam xuống 4%/năm, đảo ngược những nỗ lực thắt chặt trong năm 2022.
Tương tự, Standard Chartered dự báo, Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 0,5%, xuống 4% trong quý III/2023, bằng mức lãi suất trong những năm xảy ra đại dịch Covid-19 và giữ nguyên cho đến cuối năm 2025.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế tại Thái Lan và Việt Nam, Standard Chartered cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang tập trung nhiều hơn vào việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Mặc dù đảo ngược chính sách thắt chặt tiền tệ được thực hiện vào năm ngoái, nhưng đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo sẽ không vượt quá 0,5% do những lo ngại về rủi ro lạm phát, bất ổn tài chính vẫn còn hiện hữu.
Công ty Chứng khoán Vietcombank cho biết, từ giữa tháng 3/2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm từ 0,5 -2%/năm, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí thấp để phục vụ sản xuất – kinh doanh. Đối với thị trường tài chính, mặt bằng lãi suất trong xu hướng giảm có thể thúc đẩy một phần dòng tiền từ các kênh đầu tư tiền gửi sang kênh có mức sinh lời tiềm năng cao hơn như chứng khoán.
Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ UOB Asset Management (Việt Nam) cho rằng, từ nay đến cuối năm 2023, nếu lạm phát và tỷ giá ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ có dư địa để giảm thêm lãi suất chính sách nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Mặc dù vậy, khó có thể kỳ vọng lãi suất giảm mạnh khi mặt bằng lãi suất chính sách của Việt Nam hiện tại đã tiệm cận mức lãi suất tham chiếu ở Mỹ, đặc biệt nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất.
Theo bà Lệ, lãi suất tiết kiệm giảm sẽ kích thích dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán. Thực tế cho thấy, khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất kể từ giữa tháng 3/2023, thanh khoản trung bình mỗi ngày trên thị trường chứng khoán trong quý II/2023 tăng 30 – 40% so với tháng 2 và tháng 3/2023. Tuy nhiên, lãi suất tiết kiệm nhìn chung vẫn đang ở mức khá cao và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với thị trường bất động sản cần có thời gian để phát huy tác dụng và khôi phục niềm tin từ phía nhà đầu tư.
Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, thị trường chứng khoán sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn trong thời gian tới, nếu lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm. Lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng có thể về mức 6,5 – 6,8%/năm vào cuối năm 2023 và xuống thấp hơn nữa trong năm 2024. Lãi suất giảm sẽ tác động tích cực tới thu nhập thị trường cũng như giảm chi phí cơ hội khi đầu tư chứng khoán.
Tổng Hợp
(ĐTCK)