Doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ ghi nhận những kết quả ấn tượng, vượt trên tình trạng u ám chung do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, thị trường chung khiến cú mua vào của đại gia Quảng Nam vẫn ghi nhận lỗ.
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của đại gia gốc Quang Nam – Lê Phước Vũ vừa công bố ước kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2 niên độ tài chính (NĐTC) 2019 – 2020 từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/3/2020 với lợi nhuận tăng mạnh gần 280% so với cùng kỳ lên 200 tỷ đồng.
Mở cửa phiên giao dịch sáng 23/4, cổ phiếu HSG tăng trần 6,9% lên 6.790 đồng/cp sau khi đã tăng trần trong phiên liền trước. Tính từ đầu tháng 4 tới nay, cổ phiếu của ông Lê Phước Vũ đã tăng gần 50% từ mức 4.550 đồng lên mức hiện tại.
Đây là một kết quả ấn tượng trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn vì những nỗ lực chống đại dịch Covid-19. HSG của ông Vũ đã thoát hiểm nhờ hệ thống hàng trăm cửa hàng bán lẻ nội địa và kênh xuất khẩu tới 80 quốc gia, vùng lãnh thổ và bán hàng trực tuyến…
Tuy nhiên, so với cách đây khoảng 3 tháng, giá cổ phiếu HSG vẫn còn giảm nhiều.
Ông Lê Phước Vũ đã mua vào 2,05 triệu cổ phiếu HSG (tổng đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu) trong khoảng thời gian từ 17/1-14/2/2020 khi mà giá cổ phiếu ở quanh mức 8-9 ngàn đồng/cp. Với mức giá hiện tại, ông Vũ đang bị thua lỗ.
Không chỉ HSG, nhiều doanh nghiệp khác cũng không bị ảnh hưởng bởi đại dịch và đang hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu giảm giảm nhờ giá dầu thấp.
Theo báo cáo, Cao su Đà Nẵng chứng kiến lợi nhuận quý 1/2020 tăng 2,2 lần, còn Cao su Casumina lãi gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ năm trước… nhờ giá nguyện liệu đầu vào giảm mạnh khi giá cao su thiên nhiên và giá dầu giảm.
Cao su Sao Vàng (SRC ) cũng ghi nhận đạt lợi nhuận sau thuế quý 1 gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước cho dù doanh thu bán hàng trong kỳ giảm do đại dịch. Song giá vốn giảm mạnh hơn khi giá vật tư đầu vào giảm nên lợi nhuận tăng.
Một doanh nghiệp khác cũng vượt lên trên khó khăn do đại dịch là Saigon Cargo Service (SCS). Doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận quý 1 tăng 8% lên 130 tỷ đồng bất chấp hàng không là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 22/4, chỉ số VN-Index tăng mạnh sau thông tin Việt Nam nới cách ly trên phạm vi toàn quốc. Chỉ số này hiện đang ở mức 80 điểm.
Tất cả các cổ phiếu blue-chips trong nhóm VN30 đều tăng điểm. Một số cổ phiếu tăng mạnh như VietJet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Bia Sài Gòn Sabeco (SAB), Thế Giới Di Động (MWG)…
Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.
Theo Rồng Việt, dòng tiền đổ vào thị trường vẫn đang duy trì tích cực, các cổ phiếu tăng giá chiếm ưu thế. Do vậy các nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội ngắn hạn cho riêng mình hoặc có thể lướt sóng theo từng nhịp trong tình hình thị trường vẫn đang còn nhiều lạc quan.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/4, VN-Index tăng 2,08 điểm lên 768,92 điểm; HNX-Index tăng 2,1 điểm lên 106,8 điểm. Upcom-Index tăng 0,3 điểm lên 51,48 điểm. Thanh khoản đạt 4,8 ngàn tỷ đồng.
V. Hà