Động thái “chuyển hóa” kênh bancassurance ngoài xuất phát từ nhu cầu thị trường, củng cố niềm tin khách hàng, thì còn do chỉ đạo gắt gao từ cơ quan quản lý. Bộ Tài chính và Ngân hàng…
Nhà nước từng nhiều lần làm việc, đồng thời đưa ra các văn bản chấn chỉnh các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó nghiêm cấm các hành vi tư vấn không đầy đủ, “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác giúp củng cố niềm tin người tham gia bảo hiểm, đó là năng lực đảm bảo nhu cầu bảo vệ cũng như thực tế chi trả bảo hiểm. Prudential Việt Nam cho biết, trong năm 2022, số tiền chi trả bảo hiểm của nhà bảo hiểm này đạt gần 9.600 tỷ đồng, tương đương gần 23% tổng chi trả của toàn ngành (hơn 42.000 tỷ đồng).
Trong đó, hơn 1.600 tỷ đồng được chi trả cho hơn 150.000 trường hợp với các quyền lợi tử vong, thương tật toàn bộ và vĩnh viễn, bệnh hiểm nghèo và dịch vụ chăm sóc y tế (tăng 35% so với năm 2021). Tính riêng kênh bancassurance, số ca và số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng lần lượt là 64% và 69% so với năm 2021, qua đó cho thấy nhu cầu bảo vệ của nhóm khách hàng qua ngân hàng ngày càng gia tăng.
Toàn ngành bảo hiểm đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để lấy lại niềm tin khách hàng sau cuộc khủng hoảng truyền thông vừa qua, nhưng đâu đó vẫn xảy ra trường hợp khách hàng kêu bị “ép” mua bảo hiểm. Báo Đầu tư Chứng khoán cũng vừa nhận thêm đơn thư phản ánh về vấn đề này và đang liên hệ với các đầu mối của một số ngân hàng, công ty bảo hiểm ở cả 2 khối nhân thọ và phi nhân thọ có liên quan để phối hợp giải quyết. Điều đó cho thấy, việc “chuyển hóa” kênh bancassurance không phải là chuyện “một sớm, một chiều”.
Trong khi đó, theo ghi nhận từ một số ngân hàng và công ty bảo hiểm, vẫn còn những vướng mắc trong quản lý hợp đồng bảo hiểm chưa thể giải quyết dứt điểm. Chẳng hạn, đối với các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm liên kết đầu tư…, đòi hỏi phải có sự tư vấn của nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm hoặc đại lý bảo hiểm, hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm sẽ được ngân hàng chuyển cho doanh nghiệp bảo hiểm quản lý.
Tuy nhiên, đối với các sản phẩm bảo hiểm đơn giản như bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm dư nợ tín dụng…, hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm thường được tích hợp với hồ sơ khoản vay và quản lý bởi tổ chức tín dụng, đồng thời hầu hết ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm đều chưa có cơ chế đồng bộ việc lưu trữ, quản lý hợp đồng bảo hiểm (hình thức giấy và điện tử), dẫn đến khó khăn và rủi ro cho doanh nghiệp bảo hiểm trong việc quản lý hợp đồng cũng như giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng sau này.
Chưa kể, vấn đề tích hợp, kết nối giữa hệ thống công nghệ thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng cũng là một thách thức khi chưa có hướng dẫn chi tiết về việc xây dựng hệ thống này. Do vậy, việc kết nối và chia sẻ dữ liệu về bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, các thông tin về hợp đồng bảo hiểm… chưa được thực hiện hoàn toàn trên môi trường trực tuyến để đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian thẩm định, phát hành cũng như quản lý hợp đồng bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm cần đầu tư xây dựng các phần mềm, công cụ hỗ trợ để các nhân viên ngân hàng có thể truy cập, kết nối thông tin trực tuyến với doanh nghiệp.
Đáng chú ý, trong mảng bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, nhu cầu hợp tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng lớn, nhưng vẫn thiếu cơ chế hướng dẫn chi tiết để đôi bên vừa có thể kết hợp sản phẩm với nhau, vừa đảm bảo việc giao kết hợp đồng riêng, tách biệt bởi trên thực tế, thế nào là giao kết hợp đồng riêng, tách biệt còn gây tranh cãi.
Đơn cử, bảo hiểm các phương tiện, tài sản, công trình hình thành từ vốn vay là một trong điều kiện của hợp đồng tín dụng để phòng ngừa rủi ro cho loại tài sản này, nhưng khi nhân viên ngân hàng giới thiệu bán các hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm do ngân hàng làm đại lý lại dễ bị hiểu lầm là ngân hàng đang “ép” khách hàng phải mua bảo hiểm.
Vì vậy, theo các chuyên gia pháp lý, quy định tách biệt hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vay vốn và nhất là quyền lựa chọn mua bảo hiểm ở đâu của khách hàng cần được tôn trọng. Ngân hàng cần có trách nhiệm giải thích rõ cho khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm chỉ là bắt buộc trong giai đoạn còn vay nợ ngân hàng, nếu không có quan hệ tín dụng hình thành tài sản thì không bắt buộc phải mua bảo hiểm tài sản. Trong bối cảnh còn chưa hết rối ren, một số doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng đang có những bước đi cụ thể nhằm “lành mạnh hóa” kênh bancassurance.
Tổng Hợp
(ĐTCK)