Theo phân tích của một số chuyên gia, dòng tiền dần quay trở lại với thị trường, một phần cũng do lãi suất huy động giảm, khiến dòng tiền bắt đầu tìm kiếm các kênh đầu tư sinh lời khác, trong đó có chứng khoán.
Thị trường bất động sản sau một khoảng thời gian dài trầm lắng cũng có dấu hiệu phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để xác định một chu kỳ rã băng cho thị trường, vì dòng vốn chảy vào vẫn còn khá nhỏ giọt.
Chuyên gia tài chính – chứng khoán – bất động sản Phan Công Chánh nhận định, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song nhìn chung đây được xem như là đáy của mọi sự khó khăn trong nền kinh tế về dài hạn. Thời gian hồi phục có thể dài ngắn tùy thuộc vào mức độ hiệu quả của các chính sách kích thích kinh tế, nhưng có thể nói thời điểm này là chín mùi để cân nhắc đầu tư, nhất là ở các ngành mới.
Ngân hàng nới lỏng việc cho vay, các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường từng bước được thực hiện. Nhiều dự án từng bước được gỡ vướng pháp lý, hoặc được ngân hàng “bơm vốn” để khởi động trở lại sau một thời gian “đứng hình”. Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ vướng mắc các dự án của Tập đoàn Novaland tại Đồng Nai, trong đó yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm việc trực tiếp với ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch Hội đồng quan trị Novaland…
Theo ông Chánh, sự phục hồi từng bước của thị trường chứng khoán có thể được xem là chỉ dẫn của dòng tiền đang quay trở lại các kênh đầu tư, trong đó chứng khoán và bất động sản từ lâu vẫn được ví như bình thông nhau. Thường thì chứng khoán và giá bất động sản nói chung vận động theo cùng một hướng, nhưng đối với thị trường bất động sản, phản ứng thường diễn ra chậm hơn. Khi thị trường chứng khoán sụt giảm thì sau đó giá bất động sản thường cũng sẽ giảm theo. Điều này được hiểu như là khi các cổ phiếu rớt giá do các doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn trong hoạt động, dòng tiền suy yếu dẫn đến phải thanh lý, bán bớt các bất động sản đang nắm giữ.
Song ngược lại, khi thị trường chứng khoán tăng mạnh, sau đó kích thích các ngành nghề khác, trong đó bất động sản thường là kênh phản ảnh rõ nét nhất. Bởi nhiều nhà sau khi kiếm lời được trên thị trường chứng khoán sẽ hiện thực hóa tài sản bằng bất động sản.
Nếu như giá trị giao dịch toàn thị trường chỉ đạt khoảng 13.000 – 15.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 5 thì phần lớn phiên giao dịch từ đầu tháng 6 đến nay đã đạt khoảng 17.000-20.000 tỷ đồng. Có nhiều phiên, giá trị giao dịch 3 sàn vượt ngưỡng 22.000 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản có mức tăng khá mạnh, như NVL (của Novaland), PDR (của Phát Đạt), KDH (của Khang Điền), NLG (của Nam Long), DXG (của Đất Xanh)…Theo phân tích của giới chuyên môn, mặc dù hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn, song trong mắt của giới đầu tư nhạy bén, sự phục hồi của thị trường chứng khoán là tín hiệu chỉ dẫn cho giá bất động sản để “đón lõng” các cơ hội đầu tư.
Theo phân tích củaDKRA Group, sẽ khó xảy ra tình trạng sốt đất khắp nơi như giai đoạn trước, song với các dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thật, chủ đầu tư uy tín, dự án được đầu tư bài bản gần đây bắt đầu thu hút dòng tiền trở lại. Đơn cử, dự án The
Classia (TP. Thủ Đức) của Khang Điền có giá trị từ 20 – 40 tỷ đồng/căn, nhưng sản phẩm được tiêu thụ khá tốt.
“Đây là lần đầu tiên trong nhiều tháng qua, thị trường bất động sản có giao dịch trở lại, thậm chí có khách hàng đã xuống tiền một lần với số tiền lớn để hưởng chính sách chiết khấu. Điều này cho thấy, dòng tiền trong dân vẫn còn nhiều và bắt đầu chọn thời điểm này để tích lũy tài sản”, ông Trần Hiếu, Phó tổng giám đốc DKRA Group nhận định.
Tương tự, theo khảo sát từ các sàn môi giới dự án khu đô thị Vạn Phúc, sau thời gian dài “đứng hình”, gần đây nhiều khách hàng đã bắt đầu trở lại tìm kiếm sản phẩm dự án này. “So với lúc đỉnh điểm, giá nhà phố được nhiều người rao bán giảm từ 10 – 15%, nhưng số lượng bán ra khá nhỏ giọt, nên phần lớn sản phẩm này đều được giao dịch trong vài tuần qua”, một môi giới của dự án này chia sẻ.
Hay như dự án căn hộ Hoàng Kim Paris tại TP. Thủ Đức, TP.HCM được công bố chào bán ra thị trường từ đầu tháng 6, ghi nhận từ đại diện chù đầu tư cho biết, khá nhiều sản phẩm đã được tiêu thụ, trong đó có khách hàng có sẵn dòng tiền đóng đến 95% sản phẩm để nhận mức chiết khấu 15% từ chủ đầu tư.
Lý giải về hiệu ứng của thị trường bất động sản, ông Trần Hoài Bảo, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản TPI cho rằng, về cơ bản, tình hình chung của thị trường bất động sản vẫn rất khó khăn, tuy nhiên, trong bất cứ giai đoạn nào của thị trường luôn có một bộ phận nhà đầu tư có nguồn tiền mặt dồi dào chờ thời điểm tốt để mua vào và có thể đây là thời điểm các nhà đầu tư này bắt đầu xuống tiền.
Tổng Hợp
(ĐTCK)