Môi giới rút khỏi thị trường tỉnh, nhà đầu tư “mắc kẹt” vì không ra được hàng
Đầu năm 2021, khi thị trường đất nền tỉnh lân cận Tp.HCM nóng sốt cục bộ, cũng là thời điểm môi giới khắp nơi đổ về để tìm kiếm cơ hội làm ăn.
Tại khu vực như Định Quán, Cẩm Mỹ, Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai); Đồng Xoài, Chơn Thành (Bình Phước), Đất Đỏ, Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) hay Bắc Bình Thuận, Nam Bình Thuận… đã từng có làn sóng môi giới dồn về để làm ăn thời điểm nóng sốt. Hiện nay, thị trường trầm lắng, các môi giới rút gần hết. Chỉ còn lại một số môi giới sống trên địa bàn còn hoạt động.
Chị Ng, một môi giới sống tại Quận 9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) từng rời bỏ thị trường Tp.HCM về Định Quán, Đồng Nai để hoạt động. Giữa năm 2021 là giai đoạn khu vực này nóng sốt đất vườn, đất nền thổ cư, chị Ng kiếm được kha khá từ các thương vụ mua bán, sang nhượng giữa các nhà đầu tư.
Thực tế, chị Ng vốn là một giáo viên cấp 1, bỏ nghề đi làm môi giới. Sau thời gian hoạt động tại thị trường khu Đông, Tp.HCM, chị tìm đến Định Quán vì nơi đây sôi động mua bán. Thời điểm giữa năm 2021 đến đầu năm 2022, chị thuê trọ dưới khu vực này để tiện công việc đi lại, gặp khách đầu tư.
Hiện tại, thị trường đất nền Đồng Nai im ắng, chị Ng đã quay trở lại Tp.HCM và tìm kiếm công việc buôn bán khác để có thêm thu nhập. Theo chị Ng, hiện chị vẫn nhận nguồn hàng rao bán từ nhà đầu tư. Tuy nhiên, do thị trường yếu thanh khoản nên việc bán ra ở thời điểm này rất khó. Hơn nữa, do không còn ở dưới đó nên khách gửi lại thường sẽ đẩy sang các anh em khu vực để rao bán cùng.
Trường hợp môi giới rút khỏi thị trường tỉnh như chị Ng không hiếm. Rất nhiều môi giới tại thị trường Tp.HCM đã dồn về khu vực tỉnh theo cơn sốt đất và hiện tại rút về hoặc bỏ nghề. Không ít trong số đó, thậm chí không nhận hàng gửi bán từ nhà đầu tư do không còn ở địa bàn. Hoặc họ sẽ gửi môi giới khác rao bán hoặc nhận nhưng gần như không hồi âm.
Điều này khiến không ít nhà đầu tư ôm bất động sản tỉnh khó khăn trong khâu ra hàng. Khi thị trường hạ nhiệt, nhà đầu tư không dễ tìm môi giới từng bán hàng trước đó cho mình, bởi đa phần đã rời đi khi thị trường gặp khó.
Từng mua hai nền đất dự án tại Đồng Xoài, Bình Phước, nhưng sau đó một năm chị H, (ngụ quận 12, Tp.HCM) không thể tìm được môi giới đã bán cho mình. Chị gửi môi giới khác nhưng cũng “bặt vô âm tín”.
Theo chị H, giữa năm 2021, chị xuống tiền mua hai nền đất (diện tích 90m2 mỗi nền). Sau đó khoảng 4 tháng, đất của chị tăng giá 10% nhưng chị không bán. Lúc mua, môi giới bán đất cho chị liên tục nói: Khi nào cần ra hàng chị cứ alo em. Bên em đảm bảo ra hàng cho mình. Thế nhưng, đến tháng 2/2023, liên hệ lại môi giới đã bán đất cho mình thì điện thoại thuê bao. Tìm môi giới khác của công ty chị mua đất thì cũng “dạ, dạ” nhưng đến nay không thấy hồi âm gì lại.
Chị H cho biết, hiện đang cần tiền nên rao bán hai mảnh đất, cao hơn giá mua vào 15%. Tuy nhiên, thị trường khó khăn như hiện nay không biết khi nào mới bán được. “Thấy khắp nơi bán lỗ, mình cũng lo quá”, chị H cho hay.
Dù rút khỏi thị trường Đồng Nai vào giữa năm 2022, nhưng trường hợp anh B, môi giới tự do khu Đông Tp.HCM vẫn hỗ trợ một số khách hàng gửi bán. Tuy nhiên, nhận nguồn hàng nhưng theo anh B để bán được trong giai đoạn này không dễ. Một số nhà đầu tư ôm đất tỉnh hiện rao bán lỗ hơn giá mua vào. Do thị trường không có hoạt động mua bán nên dù bán lỗ vẫn không thể bán được.
Anh B cũng là trường hợp quay trở lại thị trường Tp.HCM sau thời gian đất tỉnh im ắng. Đến nay, anh chủ yếu môi giới các nền đất giá giảm sâu tại khu vực quận 9. Theo cách môi giới này chia sẻ, dù sao bán đất ngộp giá tại khu vực Tp.HCM vẫn dễ hơn nhiều so với đất nền tỉnh. Hiện thị trường đất nền tỉnh gần như bất động giao dịch cũng như hoạt động mua bán. Có sản phẩm giảm đến 50% vẫn khó ra hàng.
Tổng Hợp