Những chuyển biến mạnh mẽ của thị trường mặt bằng nhà phố cho thuê tại TPHCM trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy, phân khúc mặt bằng bán lẻ cho thuê đang trong giai đoạn thay đổi mạnh mẽ.
Về xu hướng trả mặt bằng, ông Nguyễn Duy Thành, Tổng giám đốc Công ty Quản lý nhà Toàn cầu (Global Home), cho rằng, nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng dịch chuyển ra xa do có sự chênh lệch khá lớn về giá thuê mặt bằng giữa khu vực trung tâm thành phố và các quận tiệm cận. Trong khi đó, bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý Bộ phận cho thuê bán lẻ Savills TPHCM, nhận định, đối với một nhãn hàng, khi mô hình kinh doanh chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, việc đóng cửa các mặt bằng đắc địa để tiết giảm chi phí cũng là điều dễ hiểu. Riêng đối với ngành F&B (dịch vụ ẩm thực), vòng đời của một thương hiệu thường không quá dài. Các nhãn hàng luôn phải chủ động cải tiến, sáng tạo để mang đến trải nghiệm mới cho khách hàng. Bên cạnh đó, sau khi đã đạt được mục đích quảng bá thương hiệu nhờ mặt bằng thuận lợi, họ sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo là cắt giảm chi phí thuê mặt bằng. Đồng thời, họ sẽ mở rộng cửa hàng ở các khu vực bán trung tâm để tiết giảm chi phí thuê mặt bằng mà vẫn giữ vững hiệu quả kinh doanh.
Ở chiều ngược lại, nhiều thương hiệu hiện đang tìm kiếm những không gian có diện tích lớn hơn để tăng trải nghiệm cho khách hàng. Theo đó, những mặt bằng đẹp ở khu vực trung tâm thành phố vẫn được xem là điểm đến ưa thích của các thương hiệu cao cấp và xa xỉ.
Giám đốc điều hành Cushman & Wakefield (Tập đoàn bất động sản đa quốc gia): Mặt bằng cho thuê sẽ bước sang ngã rẽ mới. Khách thuê văn phòng đi qua 6 tháng đầu năm 2023 với tâm thế khá cẩn trọng, có xu hướng giảm diện tích thuê nhằm tiết kiệm chi phí vận hành. Hiện có rất nhiều thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt, điều này đã ảnh hưởng đến nhu cầu thuê văn phòng. Vì vậy, diễn biến thị trường cho thuê mặt bằng sẽ khó khăn trong ngắn hạn; việc mua rồi cho thuê các bất động sản tại vị trí đẹp ở khu vực trung tâm thành phố đang chuyển sang ngã rẽ mới.
Chị Thiên Bình (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, mỗi tháng chị tốn 15 triệu đồng để thuê căn shophouse ở một chung cư để bán hải sản tươi sống. Vì chi phí vận hành quá cao nên chị quyết định chuyển hướng bán online là chính. “Tôi đã chuyển địa chỉ kinh doanh sang mặt bằng diện tích nhỏ hơn với giá thuê 6 triệu đồng/tháng, giúp tiết kiệm gần chục triệu đồng tiền thuê mặt bằng lớn lúc trước”, chị Bình nói. Cũng liên quan mặt hàng hải sản, ông Trần Văn Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại quốc tế hải sản Hoàng Gia, cho hay, chuỗi cửa hàng hải sản Hoàng Gia vừa trả một mặt bằng lớn ngay giao lộ Phan Văn Trị – Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp, TPHCM) sau khi hết hạn hợp đồng vì giá thuê quá cao, tới 150 triệu đồng/tháng. Cửa hàng sau đó được chuyển vào một siêu thị, hoạt động dưới hình thức ăn chia theo doanh số.
Ghi nhận thực tế trên một số tuyến đường ở TPHCM cũng cho thấy, hàng loạt mặt bằng có vị trí đẹp bị đóng cửa. Tại các tuyến đường sầm uất như Lê Văn Sỹ (quận 3), Nguyễn Trãi (quận 5), Cách Mạng Tháng Tám (quận 10)… cứ cách 2-3 cửa hàng lại có một mặt bằng trống treo biển cho thuê, do người thuê trước đã trả mặt bằng. Tình hình buôn bán tại các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố cũng đìu hiu, khác hẳn với sự náo nhiệt trước đây. Một mặt bằng ngay ngã tư Lý Tự Trọng – Pasteur (quận 1) treo bảng cho thuê từ tháng 12-2022 đến nay nhưng vẫn chưa tìm được khách thuê. Chị Trần Thị Hương Lý, chủ nhà, chia sẻ, căn nhà mặt tiền 3 tầng, gia đình dùng 2 tầng trên để ở; mặt sàn còn lại diện tích 60m2 cho thuê giá 70 triệu đồng/tháng nhưng chưa có ai thuê…
Tại khu vực Công trường Quốc tế (hồ Con Rùa, tiếp giáp quận 1 và quận 3), nhiều tuyến đường có mặt bằng được coi là “đắc địa” nhưng cũng khá ít người thuê. Quán cà phê PhinDeli trước đây được coi là địa điểm thu hút khách, có không gian thoáng mát, nay cũng phải thông báo trả mặt bằng sau 2 năm hoạt động. Một khu vực khác, được xem là “trái tim” của quận 1, đó là khu vực quanh Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, từ trước đến nay luôn có tỷ lệ lấp đầy mặt bằng rất cao dù giá thuê thuộc hàng đắt đỏ nhất TPHCM, nhưng nay cũng đang bị “tụt dốc” mạnh. Cửa hiệu eDiGi nằm liền kề Bưu điện Thành phố vốn rất bắt mắt người qua lại cũng vừa trả mặt bằng.
Trong những tháng gần đây, ghi nhận nhiều mặt bằng trên các tuyến đường trung tâm TPHCM “cửa đóng then cài” với hình ảnh, thông báo kèm dòng chữ “cho thuê mặt bằng”, “nhà cho thuê”… xuất hiện dày đặc. Thị trường cho thuê mặt bằng truyền thống đang có những ngã rẽ.
Tổng Hợp
(SGGP)