Tín dụng tăng chậm, một số doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân là do ngân hàng quá khắt khe cho vay. Ngân hàng đang “cạnh tranh căng thẳng” để cho vay…
Theo ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho hay, ngân hàng là lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt với hơn 100 tổ chức tín dụng (cả trong và ngoài nước). Do đó, nếu doanh nghiệp không thể vay vốn tại ngân hàng A thì có thể chuyển sang ngân hàng B, vì khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng khác nhau, có ngân hàng quy định chặt chẽ, song có ngân hàng “lỏng tay” hơn một chút. Việc tín dụng tăng chậm trên toàn hệ thống hiện nay là xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác.
“Câu chuyện doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn tín dụng đến từ nhiều nguyên nhân: từ cầu nền kinh tế, năng lực khách hàng vay đang bị suy giảm, không đáp ứng được điều kiện vay vốn… Trong khi đó, các ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng để phục vụ hết các nhu cầu của khách hàng”, ông Lâm nói.
Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần kỳ vọng lãi suất hạ nhiệt sẽ kích thích nhu cầu vốn tăng trở lại. Tuy vậy, trong bối cảnh cầu thị trường thế giới vẫn chưa có sự chuyển biến, giảm lãi suất mới chỉ là điều kiện cần để “bẩy” nhu cầu vốn. Hiện tại, các ngân hàng đang cạnh tranh gay gắt lẫn nhau để cho vay.
“Với các khách hàng tốt, có phương án kinh doanh khả thi, các ngân hàng đang cạnh tranh gay gắt để lôi kéo. Tuy nhiên, với một bộ phận khách hàng khác sẵn sàng vay bằng mọi giá, thì ngân hàng không dám giải ngân vì không nhìn thấy phương án kinh doanh cũng như dòng tiền khả thi”, ông Lê Ngọc Lâm cho biết thêm.
Trong nỗ lực thu hút khách, mới đây, thêm hàng loạt ngân hàng TMCP tuyên bố giảm lãi suất cho vay nhằm kích thích nhu cầu đầu tư và tiêu dùng. Dù vậy, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn chưa thể hạ về mức trước đại dịch do các ngân hàng vẫn còn tồn kho một lượng không nhỏ vốn đắt huy động trước đó.
Hiện tại, nhiều ngân hàng TMCP tư nhân giảm lãi vay, nhưng chỉ áp dụng với các khoản vay mới. Trong đó, các ngân hàng TMCP có vốn nhà nước giảm lãi vay cho cả các khoản vay hiện hữu.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, năm nay, ngân hàng này giảm lãi suất cho cả các khoản vay hiện hữu – đồng nghĩa chấp nhận giảm mạnh biên lợi nhuận (NIM) – để hỗ trợ doanh nghiệp. Mặc dù vậy, xét trên toàn hệ thống, bà Phượng cho rằng, “đỉnh” giá vốn ngân hàng sẽ là quý IV/2023 (khi các khoản huy động vốn kỳ hạn 12 tháng với lãi suất cao từ quý IV/2022 đáo hạn). Do đó, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ giảm dần, song chỉ có thể giảm mạnh vào năm tới, khi hệ thống ngân hàng thực sự quân bình được lượng vốn huy động giá rẻ.
“Năm nay sẽ là năm rất khó khăn của nền kinh tế. Tại VietinBank, chúng tôi đang phấn đấu tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay. Tỷ lệ Chi phí trên thu nhập (CIR) của VietinBank hiện nay đang ở top thấp nhất hệ thống. Năm 2023, HĐQT VietinBank đưa ra mục tiêu kiểm soát CIR ở mức 28% (thông lệ quốc tế là 31-32%).
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang phấn đấu đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% và triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, VietinBank đang là ngân hàng có doanh số giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% cao nhất hệ thống. Bên cạnh nỗ lực đẩy mạnh tín dụng, chúng tôi cũng xác định an toàn, hiệu quả tín dụng là mục tiêu hàng đầu. Chính vì vậy, nợ xấu thực của VietinBank tính tới cuối tháng 5/2023 chỉ 1,8%”.
Mặc dù có lãi suất cho vay hấp dẫn nhất hệ thống, song khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cũng không dễ tăng tín dụng. Lãnh đạo Agribank cho biết, tín dụng của ngân hàng này tăng trưởng âm 4 tháng đầu năm và mới chỉ tăng trở lại từ tháng 5/2023. Thị trường khó khăn, tiêu thụ nông sản yếu khiến nhu cầu tín dụng suy giảm mạnh.
Tại VietinBank, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT ngân hàng này cho biết, việc triển khai kế hoạch sớm kế hoạch kinh doanh năm 2023 từ cuối năm 2022 đã giúp kết quả kinh doanh của Ngân hàng vẫn tạm thời theo đúng kế hoạch kỳ vọng. Tính tới cuối tháng 5/2023, VietinBank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, với mức tăng 6%, gấp đôi mức tăng trưởng trung bình toàn hệ thống. Mặc dù vậy, trong tháng 5/2023, tín dụng Ngân hàng đã bắt đầu sụt giảm.
“VietinBank còn như vậy, nhiều ngân hàng chắc chắn sẽ còn khó khăn hơn”, Chủ tịch VietinBank nhận định.
Vietcombank chưa công bố số liệu tăng trưởng tín dụng 6 tháng, song nhiều khả năng vẫn đứng ở mức thấp. Tính tới cuối quý I/2023, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây, chỉ ở mức 2,5%.
Tính trên toàn hệ thống, tín dụng đến hết 5/2023 chỉ tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022 (thấp hơn nhiều mức tăng xấp xỉ 8% cùng kỳ năm 2022).
Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng, thì tăng trưởng mới được khoảng 35% so với “room” được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao. Trong khi đó, nhóm ngân hàng TMCP tư nhân còn lại mới thực hiện được khoảng 50% room tín dụng được giao.
“Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, yếu hơn đáng kể so với năm ngoái, vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng cho thời gian còn lại của năm”, Phó thống đốc cho biết.
Đáng chú ý, đầu tàu TP.HCM tăng trưởng tín dụng rất chậm, tín dụng tháng 5 ước chỉ tăng khoảng 0,7%. Theo dự báo của các ngân hàng thương mại, cầu tín dụng thấp suốt cả quý II/2023 và khó có thể tăng mạnh nửa cuối năm, dù lãi suất cho vay đã giảm đáng kể sau khi NHNN 3 lần giảm lãi suất điều hành từ đầu năm đến nay.
Tổng Hợp
(ĐTCK)