Theo báo cáo cập nhật hàng tuần của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), lượng giao dịch có sự cải thiện nhưng vẫn tương đối chậm, lý do bởi phần lớn người mua nhận thấy việc đi vay để mua nhà ở thời điểm này là chưa phù hợp, bao gồm cả những người có nhu cầu ở thực.
Báo cáo của VARS cũng nhận định, giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ khả năng đã kết thúc, nhưng để mặt bằng lãi vay về mức ổn định như trước dịch thì cần thêm nhiều thời gian.
Nếu tình hình thị trường bất động sản vẫn khó khăn, niềm tin của nhà đầu tư chưa được khôi phục thì nguồn tiền này tiếp tục ở lại hệ thống ngân hàng, chấp nhận một mức lãi suất thấp hơn. Ở kịch bản thứ hai, nếu thị trường ấm lên, lãi suất huy động giảm xuống mức 6-7%/năm vào thời điểm cuối năm nay, thậm chí là không giảm, nguồn tiền khả năng cao sẽ ưu tiên quay trở lại thị trường địa ốc.
Dữ liệu từ cuộc khảo sát của một sàn giao dịch bất động sản là hội viên của VARS tại Quảng Ninh đối với nhóm khách hàng thân thiết cũng cho thấy, với các khoản tiết kiệm kỳ hạn 6-12 tháng dự kiến đáo hạn trong quý III và IV/2023, nếu lãi suất huy động giảm, họ sẽ mang khoản tiền này đầu tư vào những kênh đem lại lợi nhuận cao hơn kênh gửi tiết kiệm, trong đó bất động sản là lĩnh vực được ưu tiên.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, yếu tố chính sách luôn có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản và thông thường có độ trễ khoảng hai quý. Do đó, với những chính sách vừa được Chính phủ ban hành, thời điểm thị trường bất động sản xuất hiện tín hiệu đảo chiều dự báo rơi vào quý IV/2023 hoặc muộn hơn là giữa năm 2024 và lúc này, lượng hàng tồn kho trên thị trường sẽ giảm mạnh.
Tuy vậy, điều quan trọng nhất lúc này là độ trễ và mức độ ảnh hưởng của chính sách, đặc biệt là gói ưu đãi tín dụng 120.000 tỷ đồng, nếu được thẩm thấu và tác động nhanh sẽ giúp đà phục hồi của thị trường bất động sản diễn ra nhanh hơn, thậm chí là nhanh hơn giai đoạn trước.
Một yếu tố nữa ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đảo chiều của thị trường bất động sản, theo ông Quốc Anh, đó là giải ngân vốn đầu tư công, nhưng tốc độ giải ngân hiện vẫn khá chậm. Nếu các công trình hạ tầng lớn sớm có hình hài mở lối cho nguồn cung bất động sản và dòng tiền ngân sách đổ vào thị trường từ giải ngân đầu tư công, cộng với việc thu hút nguồn vốn FDI được duy trì tốt so với các năm… thì thời gian thị trường lấy lại đà tăng trưởng càng được rút ngắn.
Ở một góc độ khác, TS. Đinh Thế Hiển – chuyên gia kinh tế nhận định, sự khác biệt quan trọng nhất của giai đoạn hiện tại so với đợt khủng hoảng 10 năm trước là giá bất động sản. Chẳng hạn, vào năm 2012, khi thị trường địa ốc “đóng băng”, giá đất nền sổ đỏ quận 9, TP.HCM chỉ khoảng 8-10 triệu đồng/m2, nhưng hiện tại đã tăng gấp nhiều lần.
“Hiện tại, có thể nói đa số những người ôm đất để đầu tư, đầu cơ vẫn đang chùn tay, chưa vội nhảy vào bắt đáy như giai đoạn 2012-2013”, ông Hiển nói và cho rằng, muốn thị trường bất động sản sớm “tan băng” thì phải hội tụ một số yếu tố: Dòng tiền xuất hiện, mặt bằng giá giảm xuống một mức nhất định đủ để người mua tin tưởng và chấp nhận, nếu ai cũng muốn giữ giá cao thì thị trường sẽ khó chuyển biến.
Đến thời điểm này, những tín hiệu lạc quan trên thị trường bất động sản đã rõ ràng hơn khi Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tích cực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các giải pháp về vốn và pháp lý dự án. Cộng hưởng với hoạt động tái cấu trúc và các giải pháp chủ động từ phía doanh nghiệp, tôi tin tưởng rằng, trong quý II/2023, thanh khoản của thị trường bất động sản sẽ phục hồi rõ rệt hơn.
Tôi cho rằng, giai đoạn này có nhiều cơ hội cho người mua ở thực khi các chủ đầu tư và đơn vị phân phối đang đưa ra nhiều chính sách bán hàng ưu đãi chưa từng có để kích cầu. Theo đó, những người đang sẵn tiền mặt có thể mua được sản phẩm ưng ý với mức giá phù hợp.
Tổng Hợp
(ĐTCK)