Tiếp tục tìm mọi cách để cắt giảm chi phí, đàm phán bán tài sản, thậm chí chấp nhận vay ngoài với lãi suất cao để có nguồn tài chính hoạt động… là thực trạng tại nhiều doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản hiện nay. Khi “đầu kéo” bất động sản mệt mỏi…
Lãnh đạo một đơn vị phân phối bất động sản lớn tại miền Bắc chia sẻ, một mặt ông vẫn tin tưởng vào quyết tâm của Chính phủ và các cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc sau một loạt chính sách được ban hành, nhưng mặt khác, ông thực sự băn khoăn không biết có bao nhiêu doanh nghiệp còn có thể trụ được tới khi chính sách được thẩm thấu. Ngay như doanh nghiệp của ông, dù đã cắt giảm tới 50% số lượng nhân sự, liên tục thu hẹp quy mô hoạt động…, nhưng vẫn không thể tránh được việc báo lỗ quý thứ 2 liên tiếp và phần lớn chi phí hoạt động hiện nay được trích từ lợi nhuận tích lũy từ nhiều năm trước.
Không chỉ doanh nghiệp bất động sản, mà nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng đang lâm cảnh bế tắc nguồn vốn, bao gồm cả các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế. Trong chia sẻ mới đây với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Cường – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang đã gửi một danh sách dài khó khăn mà các hội viên gửi lên. Trong đó, các doanh nghiệp may mặc, chế biến xuất khẩu, cung ứng và sản xuất vật liệu xây dựng… đều thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp bất động sản, nhà thầu xây dựng đều đình đốn…
“Đáng chú ý, lãi suất tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao, điều kiện vay vốn vẫn ngặt nghèo. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đã có nhưng triển khai chậm…”, ông Cường “điểm danh”.
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra cảnh báo về khả năng hấp thụ vốn yếu của nền kinh tế, khi tăng trưởng tín dụng chững lại, bất chấp việc nới lỏng chính sách và động thái 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian ngắn vừa qua cùng thanh khoản thị trường dồi dào. Cho tới thời điểm này, nhiều doanh nghiệp khó khăn hơn, đơn hàng mới chưa có, còn đơn hàng tồn thì bị đối tác hoãn, giãn giao hàng…
Báo cáo mới đây của SSI Research đánh giá, ngành thép – một trong những ngành chịu tác động mạnh nhất khi thị trường bất động sản (bao gồm cả trong và ngoài nước) suy giảm – đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép yếu, các kỳ vọng về tác động tích cực từ thị trường thép Trung Quốc cũng như thép thế giới không diễn ra như mong đợi, sức hấp thụ của ngành này vẫn là câu hỏi ngỏ. SSI Research nhận định, từ nay tới cuối năm, nhu cầu thép dự báo chưa có nhiều cải thiện do thị trường bất động sản còn khó khăn.
Cùng góc nhìn, Công ty chứng khoán VNDirect dự báo tổng nhu cầu thép trong nước tăng trưởng âm trong năm nay. Cụ thể, tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng – tôn mạ của Việt Nam năm 2023 sẽ giảm lần lượt 9,2% và 7% so với năm trước, xuống tương ứng 9,5 triệu tấn và 3,9 triệu tấn.
Ngoài thép, ngành gỗ cũng đang “đau đầu” với bài toán đơn hàng xuất khẩu khi nhu cầu thế giới giảm sút. Lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ và EU vẫn đang ở mức cao, làm hạn chế chi tiêu đối với các mặt hàng không thiết yếu, bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ.
Chỉ số nhu cầu nhà ở của Mỹ trong tháng 2/2023 đã giảm 48,1% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường này giảm mạnh. Đáng chú ý, việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp gỗ trong năm nay khi đây là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ đối với mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lâm Việt kiêm Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, các đơn hàng xuất khẩu của Công ty hiện chỉ đủ để nhà máy hoạt động khoảng 40% công suất nên rất khó khăn trong việc duy trì việc làm xuyên suốt cho công nhân. Đây là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp ngành gỗ những tháng qua, lượng đơn hàng chỉ đạt khoảng 35-40% công suất sản xuất.
Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm gỗ nói riêng và đồ nội thất nói chung cũng rất thấp do người dân ít trang hoàng nhà mới, sửa chữa nhà cũ. Theo Savills Việt Nam, số lượng căn hộ mới tại Hà Nội và TP.HCM lần lượt giảm 27% và 25% trong quý I/2023. Tỷ lệ thanh khoản của 2 đô thị lớn nhất cả nước này cũng giảm đáng kể trong quý, chỉ còn 13% và 15%. Ngoài kênh dự án, kênh xây dựng dân dụng vốn ổn định hơn cũng có dấu hiệu giảm sút, điều này được phản ánh qua sự sụt giảm số lượng cấp phép xây dựng tại TP.HCM trong quý đầu năm (-18%).
Trong dự thảo tình hình doanh nghiệp mà Ban Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đang hoàn thiện, dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần này, các doanh nghiệp đều kêu khó.
“Doanh nghiệp tư nhân đang bi quan hơn khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhỏ đang khó hơn doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp tại TP.HCM – đầu tàu kinh tế của cả nước – đang thấp hơn các địa phương khác. Đây là thách thức rất lớn của nền kinh tế”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV thông tin.
Điều đáng nói là sự lo lắng, bi quan hơn chỉ phần nào do nội tại doanh nghiệp, mà chủ yếu đến từ tình trạng khó khăn trong thực thi các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Thậm chí, bà Thủy còn cho biết, các doanh nghiệp gọi đây là “khúc mắc toàn diện”.
Theo báo cáo gần đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hoạt động sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm do chi phí đầu vào tăng cao, nhu cầu từ thị trường nước ngoài cũng như trong nước suy yếu… dẫn tới số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh. Giá trị tăng thêm các ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất theo quý trong giai đoạn 2011-2023. Tính chung quý đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước.
Diễn biến kém lạc quan nói trên được phản ánh qua đánh giá niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia khảo sát năm 2022 của VCCI, khi chỉ có 35% doanh nghiệp tư nhân và 33% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có dự định mở rộng sản xuất – kinh doanh trong 2 năm tới – mức thấp trong 18 năm qua.
Tổng Hợp
(ĐTCK)