Tranh luận tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội sáng 1/6, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, hiện là Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho rằng nên linh hoạt nguồn vốn đang tồn trong ngân quỹ. Cụ thể, tính đến tháng 5/2023, Ngân quỹ quốc gia tồn hơn 1 triệu tỷ đồng.
Ông Hà Sỹ Đồng cho rằng sự linh hoạt là trong phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa và tháo gỡ thủ tục hành chính để đưa tiền vào đúng địa chỉ, tức là vào những công trình quan trọng, tạo sức bật cho kinh tế.
“Nếu những công trình đã và đang được chuẩn bị đầu tư, cần nguồn vốn này mà không có thì có khi sự lãng phí này sẽ sinh ra sự lãng phí khác”, ông nói.
Việc tồn dư ngân sách từ trước đó cũng đã được nhiều đại biểu quốc hội tranh cãi.
Giải trình về số tiền tồn dư ngân sách này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết ngân quỹ tồn 1,043 triệu tỷ đồng. Trong đó, cơ quan này đang gửi 895.000 tỷ đồng, lãi suất 0,8%/năm tại Ngân hàng Nhà nước và gửi ngắn hạn tại ngân hàng thương mại 130.000 tỷ đồng.
“Đây là nguồn nhàn rỗi tạm thời, đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn cho các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia”, Bộ Tài chính nói.
“Số tiền này đã có kế hoạch chi tiết cho các dự án. Việc tồn dư là do chưa sử dụng, chưa giải ngân hết chứ không phải để dành chi, phân bổ vào việc khác”, ông Phớc nhấn mạnh lý do không thể dùng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng cho việc khác.
Về mô hình phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) thời gian qua được các đại biểu phản ánh hợp đồng dài, chưa rõ nên người mua đọc không kỹ nên xảy đến thua thiệt, ông Phớc cho biết Bộ Tài chính đang xây dựng Nghị định và Thông tư để xây dựng pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Trong đó, Bộ này tập trung vào việc giúp hợp đồng bảo hiểm rõ ràng hơn, ngắn hơn, trọng tâm hơn, làm rõ quyền lợi nghĩa vụ của mỗi bên, quy định rõ mức chi thưởng, quy định rõ về chi đại lý và công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
“Chúng tôi đang tập trung quản lý kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Bộ Tài chính cũng đã phối hợp Ngân hàng Nhà nước đã xử lý nghiêm ngân hàng và công ty bảo hiểm vi phạm”, ông Phớc nhấn mạnh.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng 26/5, ông Trần Văn Lâm – Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) cho rằng, có tiền không giải ngân được là thực tế đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực chứ không riêng đầu tư công. Năm 2021-2022, khi quyết toán và báo cáo thì số chuyển nguồn là gần 700.000 -800.000 tỷ đồng, tức hơn 1/3 số chi ngân sách nhưng chuyển nguồn, chưa đưa vào nền kinh tế, cộng với các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản chậm giải ngân.
“Vốn có, tiền có nhưng không phân bổ được, phân bổ rồi lại không giải ngân được. Việc có tiền không tiêu được, chính sách hiện nay không có gì vướng”, ông Lâm nhấn mạnh.Cũng theo ông Lâm, chính sách hiện nay vướng ở chỗ hơn 200.000 tỷ đồng dành cho cải cách tiền lương, nhưng do chưa cải cách tiền lương nên phải chuyển từ năm nọ sang năm kia, tức nguồn tồn dư mang tính chất chính sách. Phần còn lại đều do quá trình thực thi dẫn tới thực trạng tiền chậm đưa vào nền kinh tế, làm hạn chế tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội.
Xót xa khi ngân quỹ tồn đọng một số tiền lớn, ông Lâm cho rằng, 1 triệu tỷ đồng chậm đưa vào khiến kinh tế mất đi động lực. Trong khi đó, chúng ta vẫn phải đi vay, chịu lãi vay hơn 3 triệu tỷ đồng. Mỗi năm bội chi làm chúng ta cũng phải vay 200.000-300.000 tỷ đồng, trong khi tiền trong két mà không tiêu được.
“Đấy là sự lãng phí. Nhưng không phải cứ đẩy nhanh là cứ tống tiền bằng được, đưa ra phải sử dụng hiệu quả, đưa ra làm thất thoát lãng phí lớn hơn thì còn xót xa hơn. Cho nên không thể nóng vội, lại có giải pháp cực đoan”, ông nêu.
Ngoài ra, theo ông Lâm, trong chi tiêu ngân sách cũng cần thận trọng, tuân thủ luật, quy trình thủ tục chứ không thể cắt giảm hết quy trình thủ tục thì lại nảy sinh thất thoát, tiêu cực, lãng phí và hệ quả còn lâu dài hơn. Thủ tục, quy trình cần phải được đơn giản, để rút ngắn thời gian từng bước chuẩn bị hồ sơ, chuẩn bị dự án đầu tư, thanh quyết toán… Mỗi bước rút một chút thủ tục thì thời gian sẽ được đẩy nhanh lên, đơn giản đi.
Quốc hội có nhiều cố gắng theo hướng này, các luật đang sửa như Đấu thầu, Giá, Đất đai… đều hướng tới việc tăng cường quản lý nhưng đơn giản hóa, giảm bớt thủ tục rườm rà không cần thiết.
Tổng Hợp
(Dân Trí)