Thị trường bất động sản TP.HCM từ nửa cuối 2022 rơi vào tình trạng ảm đạm, gần như tê liệt. Môi giới bất động sản tại TP.HCM chật vật tìm khách.
Dưới ảnh hưởng của điểm nghẽn pháp lý và siết chặt tín dụng, nguồn cung mới tại TP.HCM lao dốc về mức kỷ lục so với nhiều năm trước. Lượng giao dịch, mua bán thành công sụt giảm, thanh khoản đóng băng. Bất động sản rơi vào trầm lắng, khắp nơi xuất hiện biển rao bán với mức giá cắt lỗ…
Trong bối cảnh đó, hàng ngàn môi giới bất động sản tại TP.HCM phải chật vật, loay hoay với nghề để mưu sinh. Nhiều số người rơi vào cảnh thất nghiệp do công ty địa ốc thực hiện cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí.
Một bộ phận môi giới bất động sản khác còn làm việc tại các công ty lại phải chật vật, tìm mọi cách để kiếm khách nhằm bán được hàng. Ngoài các kênh tìm kiếm khách hàng quen thuộc như tệp khách hàng cũ, chạy quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, Zalo… nhiều môi giới không ngại lặn lội đứng lề đường phát tờ rơi, thậm chí đi trực tiếp vào các khu dân cư, khu công nghiệp, chợ truyền thống… để tìm khách.
Chia sẻ với Dân Việt, chị Nguyễn Mỹ Hạnh (môi giới bất động sản tại TP.Thủ Đức) cho biết suốt 4 tháng qua chị chưa bán thành công một sản phẩm nào. Nghề môi giới chủ yếu kiếm thu nhập từ hoa hồng bán hàng nên cuộc sống của chị vô cùng khó khăn.
“Doanh nghiệp hiếm hoi lắm mới có dự án đủ pháp lý để mở bán trên thị trường trong giai đoạn này nhưng việc tìm khách vô cùng khó khăn. Đa số, khách hàng đều sau khi nghe môi giới giới thiệu thông tin sản phẩm, giá bán thì đều im lặng. Đáng nói, nhiều người chỉ cần nghe bên kia đầu dây tự giới thiệu là môi giới bất động sản thì liền tắt máy. Việc tiếp cận khách hàng trong thời điểm này cực kỳ khó”, chị Hạnh nói.
Trong khi đó, anh Khánh (môi giới một sàn giao dịch bất động sản tại quận 3) cho biết, nhiều tháng qua mình phải sống chắt chiu, vì không nhận được lương và hoa hồng. Công ty không có dự án mới để bán nên không trả lương nhân viên. Anh Khánh cho hay hơn 50% nhân viên môi giới của công ty của anh đã nghỉ việc và sắp tới mình cũng không ngoại lệ.
“Thời điểm trước, môi giới bất động sản trải qua thời kì hoàng kim. Chỉ cần bán 1 sản phẩm là không lo tiền sinh hoạt phí vài tháng. Tuy nhiên, bây giờ mọi thứ đã khó khăn hơn rất nhiều. Kinh tế khó khăn, khách hàng có xu hướng tích trữ tiền chờ diễn biến thị trường nên rất khó thuyết phục họ xuống tiền đặt mua sản phẩm. Nhóm chúng tôi đã phải đi bộ đến các khu chợ, phát tờ rơi cho từng người dân nhưng vẫn không tìm được khách “, anh Khánh chia sẻ.
Thật tế, rất nhiều môi giới bất động sản hoạt động trong một số giai đoạn phát triển thịnh vượng của nền kinh tế, nhiều người đã có thể đổi đời, an cư lập nghiệp nhờ vào mua bán đất đai. Tuy nhiên, với bối cảnh thị trường eo sèo như hiện tại, nhiều môi giới bất động sản đều phải tìm nghề khác kiếm sống.
Anh Tâm – từng làm môi giới cho Tập đoàn bất động sản lớn tại TP.HCM cho biết mình đã chuyển sang kinh doanh bảo hiểm để mưu sinh. “Trước khi chuyển nghề, tôi đã có gần 5 năm gắn bó với bất động sản. Tuy nhiên, từ đầu 2023, việc bán hàng vô cùng khó khăn. Công ty không có dự án mới, chủ yếu phải bán hàng tồn và sản phẩm kí gửi. Nhiều tháng không bán được hàng, tôi sống bằng tiền đi vay người thân, bạn bè nên tôi nản và đã quyết định nghỉ việc”, anh Tâm chia sẻ.
Ông Phạm Lâm – CEO DKRA Group cho rằng nhân sự môi giới bất động sản vẫn biến động hàng năm, giảm trong mùa thấp điểm, tăng trong mùa cao điểm. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường trầm lắng kéo dài thì quá trình thanh lọc nhân sự diễn ra mạnh mẽ. Thị trường đi xuống là thách thức đối với các đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng thị trường trầm lắng là giai đoạn thanh lọc nhân sự nghề môi giới bất động sản.
Tổng Hợp
(Dân Việt)