Báo cáo mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, kể từ năm 2015 đến nửa đầu năm 2022 chính sách tiền tệ tại Việt Nam có sự nới lỏng khá mạnh, tăng trưởng tín dụng luôn xấp xỉ ở mức cao, từ 18 – 20% và mặt bằng lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm ở các kỳ hạn.
Tuy nhiên, nửa cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ cũng phần nào ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế khi doanh nghiệp hạn chế vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh vì lo ngại rủi ro lãi suất.
Với riêng mảnh kinh doanh bất động sản, dù đại diện Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần phát ngôn, cơ quan quan này không siết tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế những tháng cuối năm 2022, dòng tiền của doanh nghiệp đã suy giảm, khả năng thanh toán lãi vay ở mức thấp, khả năng trả nợ suy giảm trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu ở mức cao, các kênh vốn chính của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.
Từ giữa tháng 3/2023 đến nay, NHNN đã có ba lần liên tiếp hạ lãi suất điều hành, cho thấy chính sách tiền tệ đang giảm dần mức độ thắt chặt. Ngay sau cuộc họp của lãnh đạo các nhà băng với NHNN vào sáng 25/5, các ngân hàng thương mại dự kiến giảm 0,3 – 0,5% lãi suất cho vay áp dụng với tất cả các khoản vay cũ. Những động thái này được cho là một tín hiệu tốt đối với nền kinh tế, kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến bất động sản.
Các chuyên gia của VARS cho biết, hiện nay, đã có tín hiệu nguồn tiền quay trở lại, lãi suất trái phiếu, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tiền gửi hạ nhiệt, khách hàng đã tiếp cận được khoản vay mới với lãi suất 10-11%. Tuy nhiên, chỉ khi nào mặt bằng lãi suất trung bình giảm xuống dưới 10% thì khi đó thị trường bất động sản mới phản ứng. Vì 10% là con số mà các nhà đầu tư có khả năng chịu đựng được khi đi vay.
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản chứng kiến thông tin rao bán “cắt lỗ” xuất hiện ở khắp mọi nơi. Mặc dù giá đất nền tại nhiều khu vực hiện nay giảm mạnh, song một số nhà đầu tư đã mua từ lâu vẫn có lãi, thậm chí gấp nhiều lần so với thời điểm mua.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, giá bất động sản thời gian qua đã bị đẩy lên quá cao, không còn phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân. Áp lực tăng giá đầu vào như vật liệu xây dựng, thiết bị, máy móc, chi phí vốn, giá đất,… đã gây áp lực lên giá thành bất động sản.
“Tuy nhiên, giá bất động sản có giảm trong thời gian gần đây nhưng vẫn gấp nhiều lần so với thời điểm năm 2018. Do đó, cắt lỗ chỉ đúng với nhà đầu tư ngắn hạn”, ông Đính nói.
Từ ngày 25/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức giảm thêm một loạt lãi suất điều hành trong bối cảnh kinh tế thế giới có biểu hiện suy thoái, lạm phát trong nước hạ nhiệt từ đỉnh, doanh nghiệp suy yếu. Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ 3 liên tiếp từ đầu năm đến nay. Với mức cắt giảm lần này, trần lãi suất huy động trở về mức trước khi Covid-19 diễn ra. Tuy vậy, theo tính toán của các chuyên gia phân tích, lãi suất cho vay bình quân vẫn cao hơn trước dịch khoảng 1%.
Việc NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành cho thấy quyết tâm của nhà điều hành trong giảm lãi suất cho vay. Trong 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN từ đầu năm đến nay, có tới 2 lần giảm trần lãi suất huy động. Giảm trần lãi suất huy động là cơ sở để các ngân hàng thương mại giảm chi phí đầu vào, từ đó giảm lãi suất cho vay. Ngay sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, lãi suất cho vay cần thêm vài tháng nữa mới có thể hạ nhiệt.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhận định, giảm lãi suất sẽ hỗ trợ tích cực tới doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy vậy, lãi vay chưa thể giảm ngay, mà cần thêm vài tháng nữa, khi ngân hàng “hấp thụ” hết nguồn vốn huy động với giá cao trước đây.
Cùng với động thái hạ lãi suất điều hành, NHNN cũng ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Hôm qua (25/5), NHNN cũng họp khẩn với các tổ chức tín dụng, quán triệt tinh thần giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế.
Mặc dù việc giảm lãi suất được các doanh nghiệp vui mừng, song trong bối cảnh đơn hàng giảm 30 – 40% như hiện nay, nhiều doanh nghiệp mong chờ được cơ cấu nợ, giãn nợ hơn là tiếp cận vốn mới. Với tình hình này, nhiều khả năng tín dụng cũng chưa thể bật tăng trở lại dù lãi suất cho vay có giảm thêm 1-2% nữa.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư, NSTT)