Ngân hàng rục rịch giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay cần có độ trễ, lãi suất cho vay “chỉ giảm trên ti vi” là chuyện thường thấy.
Các số liệu của nhà điều hành đều cho thấy cung tiền đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, việc giảm trần lãi suất huy động và điều hành mới đây của Ngân hàng Nhà nước lại tạo đà giúp cung tiền tăng trở lại.
Theo đó, từ ngày 25/5, lãi suất điều hành điều chỉnh lần thứ 3, với mức giảm 0,5 điểm %.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán (M2) đến hết tháng 2 năm nay đạt hơn 14,27 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2022, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 0,32% – mức thấp kỷ lục nếu tính theo tháng 2.
Tăng trưởng cung tiền năm 2022 trước đó cũng đã bắt đầu ghi nhận mức giảm khi chỉ tăng một chữ số (6,15%).
Tổng phương tiện thanh toán còn được gọi là cung tiền của nền kinh tế, là chỉ số quan trọng để Ngân hàng Nhà nước kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ. Thông thường, mức cung tiền tăng so với cầu tiền thì lãi suất giảm và ngược lại nếu cung tiền giảm so với cầu thì lãi suất tăng. Nhà điều hành tiền tệ có thể triển khai các công cụ để kiểm soát cung tiền thông qua giảm lãi suất liên ngân hàng, nới room tín dụng, mua vào trái phiếu, dự trữ ngoại tệ…
Theo các chuyên gia, giảm lãi suất điều hành là tín hiệu tích cực với nền kinh tế, bởi điều này đồng nghĩa Ngân hàng Nhà nước phát thông điệp sẵn sàng bơm vốn ngắn hạn với lãi suất rẻ hơn cho hệ thống ngân hàng. Sự đảm bảo của cơ quan quản lý là tín hiệu định hướng cho các giao dịch trên thị trường liên ngân hàng.
Trước đó, sau 2 lần điều chỉnh lãi suất điều hành vào tháng 3 và tháng 4, lãi suất vay mượn giữa các nhà băng ở kỳ hạn ngắn đã giảm nhanh. Các ngân hàng thanh khoản hạn chế có thể đi vay từ những nhà băng lớn thừa vốn, với chi phí rẻ hơn trước.
Trần lãi suất huy động cũng được điều chỉnh giảm về 5%/năm. Đây là thứ 2 trần lãi suất hạ trong năm nay và là giải pháp giúp giảm ngay lãi suất huy động kỳ hạn ngắn. Hôm 25/5, ngày đầu tiên áp dụng trần lãi suất mới, các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Hầu hết đều giảm 0,5 điểm % tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống mức trần là 5%/năm.
Nhiều ngân hàng còn giảm lãi suất cao nhất dành cho kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng xuống còn 4,5-4,8%/năm như, SeABank, LPBank, TPBank, BVBank…
Hay nhóm big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước), dù đã niêm yết dưới mức trần 5%/năm, vẫn tiếp tục giảm thêm 0,5 điểm % lãi suất huy động áp dụng cho các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, xuống còn 4,1-4,6%/năm.
Còn với kỳ hạn dài, huy động từ 6 tháng trở lên – do ngân hàng ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường và không bị áp trần lãi suất cũng được một số đơn vị giảm, với mức giảm thấp hơn, từ 0,3-0,4 điểm %. Trên thực tế, đây mới là nguồn vốn quan trọng của ngân hàng, giúp các nhà băng cạnh tranh trong việc hút tiền gửi.
Tổng Hợp
(Dân Trí)