“Nếu dừng xuất khẩu gạo sẽ gây sức ép, khiến giá gạo giảm và điều này sẽ làm bất lợi cho các DN kinh doanh gạo và người nông dân. Tuy nhiên, theo tôi, có thể người ta muốn bảo vệ lợi ích của một số DN nào đó chứ không phải chủ ý làm hại người nông dân”, TS. Lê Đăng Doanh nhận định.
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đặt nhiều nghi vấn tiêu cực trong tổ chức triển khai thực hiện hoạt động xuất khẩu gạo cũng như tính minh bạch của Hải quan khi mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm.
Chiều 20/4, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xuất khẩu gạo trong thời gian qua.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 và số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ, có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc công khai, minh bạch liên quan đến việc làm thủ tục hải quan và việc đăng ký mở tờ khai hải quan khi xuất khẩu gạo; báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2020.
Cùng ngày, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ trưởng Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét điều tra, xác minh làm rõ các nội dung nêu trên nhằm xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức cá nhân trong hoạt động xuất khẩu gạo cũng như xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong trường hợp đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật.
Nhadautu.vn đã cuộc trao đổi với TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương để tham vấn ý kiến của ông về vấn đề này.
Vụ doanh nghiệp tố Hải quan không minh bạch trong việc mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm, ông đánh giá thế nào khi các Bộ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau?
TS. Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ rằng, việc mở tờ khai xuất khẩu gạo của Hải quan vào lúc nửa đêm là điều không bình thường. Việc này Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có yêu cầu cơ quan Hải quan có giải trình cụ thể và Bộ Tài chính phải có báo cáo, tôi hy vọng báo cáo đó sẽ làm rõ trách nhiệm.
Có thể thấy, việc xuất khẩu gạo trong thời gian vừa qua gặp khá nhiều trục trặc, tôi cho rằng ở đây có phần trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc nắm tình hình cũng như có báo cáo với Thủ tướng.
Trước mắt, phải nắm vững tình hình, qua rất nhiều nguồn chúng ta đều biết rằng Việt Nam có thể xuất khẩu được 6,5-6,7 triệu tấn gạo và vẫn hoàn toàn đảm bảo được an ninh lương thực. Đương nhiên, việc chú ý đến an ninh lương thực trong bối cảnh đại dịch COVID-19 này là điều hoàn toàn cần thiết.
Do đó, để có quyết định đúng đắn, chúng ta phải nắm vững tình hình. Bởi không nắm vững tình hình, cho nên chúng ta mới đắn đo, từ ngày 23/3 báo cáo với Thủ tướng ngừng xuất khẩu gạo, đến tối 24/3 Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh lại đề nghị xuất khẩu gạo trở lại.
Sau đó, đến Hải quan mở sổ vào lúc 0h, rất nhiều doanh nghiệp (DN) ở phía Bắc biết và tham gia, chỉ sau vài tiếng đã đăng ký xong 400.000 tấn gạo. Tất cả những điều đó cho thấy, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương làm việc chưa bao quát được các DN và chưa nắm vững được tình hình, tôi nghĩ rằng việc này cần phải rút kinh nghiệm.
Thêm nữa, rõ ràng vừa qua Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chưa có sự bàn bạc nhất trí với nhau. Tới đây, tôi cho rằng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ cần phải có một quy chế về việc phối hợp, nếu như hai Bộ vẫn không có sự thống nhất với nhau thì cần phải có báo cáo để Phó Thủ tướng xử lý và có ý kiến chỉ đạo.
Có hay không lợi ích nhóm trong vụ xuất khẩu gạo này, thưa ông?
TS. Lê Đăng Doanh: Việc có lợi ích nhóm hay không thì bây giờ vẫn chưa có chứng minh, nhưng rõ ràng chúng ta thấy rằng các hành động như vậy là không bình thường. Bên cạnh đó, những DN đăng ký xuất khẩu gạo ở miền Bắc hiện chưa mua được gạo, còn những DN miền Nam đã trữ đầy gạo và sẵn sàng xuất khẩu thì họ lại phải chờ.
Vì thế, việc này đã gây ra sự tốn kém không cần thiết, cả về thời gian, tâm lý và tiền bạc đối với các DN miền Nam. Điều đáng nói, theo tôi nếu chúng ta không làm tốt chính sách xuất khẩu gạo thì giá gạo có thể xuống và người nông dân không được khuyến khích. Lúc bấy giờ, sản lượng gạo của chúng ta có thể bị giảm đi, trong khi chúng ta hoàn toàn có khả năng tiếp tục phát huy thế mạnh trong bối cảnh đại dịch này.
Theo ông, Thủ tướng cũng như Chính phủ cần phải làm gì để dẹp tình trạng này để giải cứu doanh nghiệp, nông dân?
TS. Lê Đăng Doanh: Bây giờ, các Bộ phải báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, và Phó Thủ tướng sẽ xem xét báo cáo Thủ tướng. Tôi nghĩ rằng, Thủ tướng sẽ có kết luận và chấn chỉnh về cơ chế.
Điều đầu tiên, cần phải tổ chức nắm vững tình hình, chẳng hạn vụ mùa được bao nhiêu, lượng gạo trong nông dân còn bao nhiêu, và các DN đã mua được bao nhiêu…
Hai là, phải mời được tất cả các DN tham gia để cho họ có ý kiến, tham gia đấu thầu và họ được cạnh tranh một cách bình đẳng và lành mạnh.
Ba là, cần phải làm việc một cách công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình. Không có việc mở tờ khai đăng ký lúc nửa đêm, để rồi sau mấy tiếng 400.000 tấn gạo đã được đăng ký hết, còn những DN khác chưa đến giờ làm việc khiến họ không biết thông tin. Những việc đó gây ra ảnh hưởng không tốt, tôi nghĩ rằng đối với những người có trách nhiệm trong việc này, Thủ tướng cần xem xét và có cách xử lý một cách thích đáng.
Bộ Tài chính đã mời Bộ Công an điều tra làm rõ có lợi dụng trục lợi chính sách trong xuất khẩu gạo. Ông đánh giá động thái này như thế nào?
TS. Lê Đăng Doanh: Tôi rất hoan nghênh động thái của Bộ Tài chính mời Bộ Công an vào điều tra, tôi mong rằng Bộ Công an sẽ phát hiện ra và chứng minh trong việc này có lợi ích nhóm hay không.
Theo ông, có hay không việc đề xuất dừng xuất khẩu gạo để ép doanh nghiệp và nông dân?
TS. Lê Đăng Doanh: Tôi không nghĩ rằng đó là hành động có chủ đích như thế. Dĩ nhiên, nếu dừng xuất khẩu gạo sẽ gây sức ép, khiến giá gạo giảm và điều này sẽ làm bất lợi cho các DN kinh doanh gạo và người nông dân. Tuy nhiên, theo tôi, có thể người ta muốn bảo vệ lợi ích của một số DN nào đó chứ không phải chủ ý để làm hại người nông dân.
Xin cảm ơn ông!