Sáng 9/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023. Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu nhiều thông tin đáng quan ngại về thị trường bất động sản.
Cụ thể là thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng từ cuối quý II/2022. Những khó khăn trên thị trường tài chính và thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận vốn và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp… đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, các giao dịch bị trì hoãn.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải tạm dừng triển khai dự án, thanh toán hoa hồng cho các sàn giao dịch bằng sản phẩm bán hoặc bán sản phẩm bất động sản nhà ở với chiết khấu sâu; nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động.
“Hệ quả, thị trường bất động sản khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp và tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Có ý kiến cho rằng, việc các doanh nghiệp huy động vốn với số lượng lớn thời gian qua làm tăng dư nợ của nền kinh tế dẫn đến bong bóng với thị trường bất động sản; thị trường bất động sản khó khăn là chưa phản ánh đúng bản chất khi chỉ có thị trường bất động sản ở phân khúc cao cấp tăng cao và đến nay gặp khó còn thị trường bất động sản dành cho số đông thì vẫn thiếu hụt”, ông Thanh nhấn mạnh.
Với năm 2023, Uỷ ban Kinh tế nêu rõ, thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 rất lớn.
Theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam VBMA, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 là gần 290.000 tỷ đồng, trong đó quý III lớn nhất với khoảng hơn 104 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.
Khó khăn nữa được đề cập tại báo cáo thẩm tra là nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Báo cáo dẫn chứng, ngày 21/2/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội có văn bản số 306/TB-SGDHN thông báo danh sách 54 tổ chức phát hành công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu từ ngày 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023 có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi.
Bên cạnh đó, một số vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn gây bức xúc dư luận, giảm niềm tin của nhà đầu tư, Ủy ban thẩm tra nhấn mạnh.
Thời gian tới, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần lưu ý thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Đồng thời, cơ cấu lại thị trường bất động sản thông qua điều tiết nguồn cung, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục tình trạng lệch pha cung – cầu bất động sản cao cấp và bất động sản bình dân bằng công cụ quy hoạch.
Bên cạnh bất động sản, cơ quan của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về môi trường kinh doanh.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, bên cạnh những khó khăn từ môi trường kinh tế thế giới và trong nước, doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy được ban hành và có hiệu lực. Các doanh nghiệp cho rằng, nhiều quy định mới về phòng cháy, chữa cháy vượt cả nước phát triển và chưa đến tính khả thi khi áp dụng tại Việt Nam, làm gia tăng thời gian, thủ tục và chi phí tuân thủ.
Do đó, đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá thêm về vấn đề này, qua đó để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh, sản xuất được thuận lợi, thông suốt và vẫn bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới.
Báo cáo tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 9/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định: “Nền kinh tế phục hồi nhanh, là một trong số ít các quốc gia đạt tăng trưởng cao, kiểm soát được lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”, ông Dũng nói.
Bước sang tháng 4, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn ban hành từ đầu năm đến nay bắt đầu có hiệu ứng tác động, tháng 4 cũng là tháng bước vào giai đoạn đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, nhất là du lịch. Nhờ đó đã có nhiều chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công, khơi thông điểm nghẽn về dòng tiền trong nền kinh tế…
Tuy nhiên, Bộ trưởng KH- ĐT cũng chỉ ra rất nhiều vấn đề của doanh nghiệp hiện nay, mà đầu tiên là dòng tiền. Việc điều hành tín dụng có vấn đề khi lúc thả ra quá nhanh, lúc siết lại cũng nhanh khiến các doanh nghiệp rất khó khăn.
“Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được đã bán và bán chỉ 50% giá thực, và người mua là nước ngoài. Đây là câu chuyện chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần, rất nguy hiểm”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Tại cuộc họp báo Chính phủ cuối tuần qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, việc giảm lãi suất là một trong 8 chính sách rất quan trọng được Ngân hàng Nhà nước triển khai trong từ đầu năm. Tốc độ giảm lãi suất đang khá tích cực. Những ngân hàng còn cho vay ở mức cao đã được nhắc nhở, chỉ đạo để có mặt bằng cho vay thống nhất. Thời gian gần đây, hầu hết các ngân đều rất chủ động trong việc giảm lãi suất.
Tổng Hợp
(ĐTCK, Doanh nghiệp hội nhập)