Trước bối cảnh giá dầu sụt giảm mạnh, trong khi đồng đô la Mỹ (USD) đang có xu hướng nhích lên và giá vàng chững lại, khiến chúng ta tự hỏi, liệu ba yếu tố này có quan hệ gì với nhau hay không?
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 20/04, giá dầu thô WTI giao tháng 5 giảm xuống dưới 0 USD/thùng lần đầu tiên trong lịch sử, và chốt phiên ở mức -37.63 USD/thùng. Đây là phiên giảm mạnh kỷ lục của giá dầu này kể từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu vào năm 1983, và cũng ghi nhận mức đóng cửa thấp chưa từng thấy, sau khi có thời điểm giữa phiên giảm chỉ còn -40.32 USD/thùng.
Đầu phiên giao dịch ngày 21/4 (giờ Việt Nam), trên thị trường thế giới, tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh. Chỉ số USD Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 99.88 điểm, tăng thêm 100 điểm so với mức của phiên 20/04.
Trong khi đó, giá vàng trên thế giới dao động quanh ngưỡng 1,689 USD/ounce, giảm nhẹ khoảng 2 USD/ounce so với chốt phiên trước 20/04.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho biết: “Giá dầu thô giảm cũng có ảnh hưởng 1 phần bởi đồng đô la đang tăng mạnh, với chỉ số USD Index ở mức trên 100 điểm, gây áp lực cho giá dầu thô. Còn giá vàng vẫn đang ở xu thế cao nhưng vẫn không phải tăng đột biến khi trong 1 tháng qua, giá vàng có xu thế đi xuống nên đây không phải là áp lực làm cho giá dầu giảm”.
Nhưng nguyên nhân chủ yếu làm cho giá dầu giảm ở đây là thông tin về các nơi dự trữ dầu đã không còn sức chứa làm cho viễn cảnh người mua tiếp tục đầu cơ dự trữ dầu. Trong khi đó, dịch Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng dầu giảm. Hai yếu tố chính này làm cho các nhà đầu tư phái sinh giá dầu thô lo lắng.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, để nói về ảnh hưởng của giá dầu đến đồng đô la Mỹ và giá vàng, trước hết cần phải làm rõ 3 nguyên nhân chính khiến giá dầu thô WTI giảm. Một là quan hệ cung cầu chủ yếu trên thị trường Mỹ, tức là cung đang vượt cầu. Lý do thứ hai là các kho dầu dự trữ tại Mỹ đang bị quá tải. Và thứ ba là đã đến thời điểm hợp đồng tương lai về dầu WTI cần phải tất toán vào ngày 21/04, nên các nhà đầu tư quyết định bán để chốt hợp đồng.
Chính những yếu tố này đã khiến cho giá dầu WTI giảm đến mức âm trong hôm qua (20/04) và diễn biến sáng ngày hôm nay. Tuy nhiên, đây là tình hình cục bộ chỉ ở thị trường Mỹ, và nó đã kéo theo giá dầu khác như dầu Brent ở thị trường Châu Âu, Trung Đông và Châu Á có giảm, nhưng mức giảm không mạnh, vẫn ở mức 21-23 USD/thùng.
“Với giá dầu giảm như vậy, chứng tỏ rằng tình hình dịch bệnh kéo theo rất nhiều bất ổn, nhất là ở thị trường Mỹ. Và do đó, nó cũng khiến cho giá vàng có xu hướng bị nhích lên. Còn giá đô la Mỹ đang ở mức phân hóa, tức là nhà đầu tư nào quan tâm đến tài sản an toàn thì sẽ mua vào. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng quan ngại tình hình kinh tế Mỹ thì lại khiến cho đồng đô la Mỹ bị mất giá nên về cơ bản, đồng đô la Mỹ sẽ chỉ đi ngang hoặc nhích nhẹ chứ không tăng đáng kể”, ông Lực nói thêm.
TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý rằng, đây là xu thế rất tạm thời ở thị trường Mỹ là chủ yếu và kỳ vọng trong một vài ngày tới, giá dầu WTI sẽ phục hồi.
Ái Minh