Thông tư 02 không phải “cây đũa thần”, nhưng được mong chờ. Điều kiện được tái cơ cấu nợ hiện nới lỏng hơn trước…
Trao đổi với phóng viên về hoạt động tín dụng trên địa bàn, giám đốc một chi nhánh Vietcombank tại Cà Mau cho biết, doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh thường vay vốn lớn với kỳ hạn dài để mở rộng quy mô. Khi sức mua giảm mạnh như hiện nay, doanh nghiệp không mở rộng mà quay về duy trì hoạt động nên việc vay vốn ngân hàng không nhiều như trước.
“Doanh nghiệp sản xuất vẫn vay vốn, nhưng ngắn hạn, dư nợ không lớn, bởi chỉ nhằm phục vụ cho dòng tiền lưu động”, vị giám đốc nói.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn sẽ tạo ra yếu tố thuận lợi mà các doanh nghiệp đang kỳ vọng. Cụ thể, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, nông thuỷ sản, nông nghiệp… thời gian qua có ít đơn hàng, thậm chí không có đơn hàng, nên nguy cơ nợ xấu ập đến, bởi khó có khả năng trả nợ.
“Nếu rơi vào trường hợp nợ xấu nhóm 2, nhóm 3, các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong việc quay lại vay vốn ngân hàng nên Thông tư 02 vừa được ban hành sẽ giải quyết được nỗi lo của doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp đang có khó khăn tạm thời có cơ hội phục hồi với những điều kiện có thể thực hiện được”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, các nhà thầu xây dựng thường bị các nhà đầu tư bất động sản chiếm dụng vốn, trong khi vốn của các nhà thầu chủ yếu là vay ngân hàng, nên rơi vào vòng xoáy chuyển nhóm nợ. Tình trạng chiếm dụng vốn rất điển hình thời gian qua nên Thông tư 02 được nhìn nhận là “cứu cánh” cho các doanh nghiệp và tạo cơ hội cho ngân hàng có cơ sở pháp lý “chăm sóc”, đối thoại các khách hàng thân thiết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, Thông tư 02 sẽ hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh đang gặp những khó khăn ảnh hưởng đến thu nhập, tiêu dùng, khả năng chi trả.
Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc MB nhận định, đối tượng của Thông tư 02 là doanh nghiệp, khách hàng cá nhân sản xuất – kinh doanh và khách hàng cá nhân vay tiêu dùng phục vụ đời sống. Các đối tượng này phủ sóng hầu hết mục đích vay vốn của nền kinh tế nên sẽ được hỗ trợ, hưởng các chính sách của tổ chức tín dụng như nhau, chứ không phải chỉ tập trung vào khách hàng sản xuất – kinh doanh mà quên đi khách hàng vay tiêu dùng.
“Phía tổ chức tín dụng đã có kinh nghiệm triển khai chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Do vậy, mỗi ngân hàng sẽ căn cứ vào điều kiện tài chính của mình và hồ sơ của khách hàng để thực hiện chính sách đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng”, bà Hà nói.
Tương tự, ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank cho hay, hệ thống ngân hàng đã có nhiều kinh nghiệm triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cũng như các chính sách hỗ trợ khác trong giai đoạn dịch Covid-19. Đây là nền tảng thuận lợi để hệ thống ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân theo Thông tư 02, trong bối cảnh ngành ngân hàng đã thể hiện trách nhiệm cao nhất với nền kinh tế, trong khi dư địa để hỗ trợ không còn nhiều.
Với Thông tư 02, tỷ lệ nợ xấu năm 2023 hiện được dự báo không tăng cao như một số dự báo trước đây, do khách hàng gặp khó khăn có thể được ngân hàng xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Điều này cũng có lợi cho các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu gần 3%, vì sẽ có thêm phương án để giữ tỷ lệ nợ xấu dưới mức mà cơ quan quản lý yêu cầu. Theo đó, rủi ro nợ xấu gia tăng được chuyển sang nửa cuối năm 2024. Và theo lý thuyết, tỷ lệ bao nợ xấu trong năm 2023 sẽ tăng lên, vì tổng dự phòng bao gồm cả dự phòng cho các khoản vay đã cơ cấu, trong khi phần nợ xấu không bao gồm các khoản nợ cơ cấu.
Tổng Hợp
(ĐTCK)