Săn cổ phiếu trả cổ tức cao bằng tiền là chiến lược của nhiều nhà đầu tư trong giai đoạn thị trường chứng khoán trầm lắng.
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã RAL) vừa quyết định mức chia cổ tức năm 2022 đợt 2 vào ngày 26/4 tới với tỷ lệ 25%, nâng tổng tỷ lệ cổ tức năm 2022 lên 50% (bằng tiền mặt). Đây là năm thứ 5 liên tiếp Công ty duy trì mức chi trả cổ tức này.
Năm qua, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 6.910 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 486,4 tỷ đồng, vượt 30,4% mục tiêu doanh thu và vượt 76,81% mục tiêu lợi nhuận.
Mức cổ tức 2023 sẽ được đại hội cổ đông RAL quyết định trong tháng 5/2023, tuy nhiên theo tiết lộ của lãnh đạo Công ty thì “vẫn cố gắng duy trì mức tương đương năm 2022”.
Trong bối cảnh nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn, không có dòng tiền để trả cổ tức hoặc có xu hướng giữ lại lợi nhuận để phòng vệ thì vẫn có những doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông ở mức trên 100% vốn điều lệ. Đơn cử, ngày 20/4 tới, Công ty cổ phần Logistics Portserco (mã PRC) sẽ thực hiện chi trả cổ tức năm 2022 ở mức 350% bằng tiền mặt.
Hay Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam – Vocarimex (mã VOC) quyết định chi trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 100%. Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Dầu khí IDICO (mã ICN) sẽ tạm ứng cổ tức đợt 3/2022 bằng tiền, tỷ lệ 45%, nâng tỷ lệ cổ tức tạm ứng 3 đợt lên 150%. Ngoài ra, Công ty sẽ phát hành 8,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 70%.
Công ty cổ phần Phốt pho Apatit Việt Nam (mã PAT) vừa chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức đợt 3/2022 bằng tiền với tỷ lệ 106,55%. Thời gian thực hiện vào ngày 24/4 tới.
Trước đó, Công ty đã thực hiện 2 đợt tạm ứng cổ tức, với tổng tỷ lệ 200% bằng tiền mặt. Như vậy, tổng tỷ lệ cổ tức năm 2022 cổ đông PAT được hưởng lên đến 306,5%, tương ứng với việc Công ty chi ra số tiền 766 tỷ đồng.
Năm 2022 là năm thắng lợi lớn của PAT, với việc ghi nhận doanh thu 3.150 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cán mốc lịch sử, với 963 tỷ đồng, gấp 3,8 lần năm 2021. Kế hoạch kinh doanh năm 2023 được Công ty đặt ra ở mức thận trọng hơn, với doanh thu gần 1.790 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 416 tỷ đồng, lần lượt giảm 43% và 57% so với năm ngoái. Mức cổ tức dự kiến là 140%, tuy thấp hơn nhiều so với mức thực hiện trong năm 2022 nhưng vẫn là một con số rất cao so với mặt bằng chung thị trường.
Trong khi với PRC, lợi nhuận đột biến năm 2022 của doanh nghiệp này đến từ việc bán dự án kho bãi tổng hợp tại lô B1-13 Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng với giá 85 tỷ đồng trong quý IV/2022, giúp khoản mục lợi nhuận khác trong báo cáo tài chính đạt 64 tỷ đồng, gấp 64 lần năm 2021. Do vậy, mặc dù quyết định trả cổ tức năm 2022 ở mức khủng nhưng Công ty cũng đang để ngỏ kế hoạch chi trả cổ tức năm 2023, bởi với tình hình khó khăn như hiện nay, Công ty chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 chỉ 350 triệu đồng.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành dược cũng đang nâng mức chi trả cổ tức thực tế cao hơn so với kế hoạch ban đầu. Cụ thể, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 3 (mã DP3) vừa quyết định tạm ứng cổ tức 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 80%, thực hiện vào ngày 6/7/2023. Mức cổ tức này cao gấp 2 lần so với kế hoạch trước đó. Công ty cũng dự kiến chia cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 40%.
Hay Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã DHG) quyết định tăng tỷ lệ cổ tức tiền mặt 2022 từ 30% lên mức 35%. Về kế hoạch kinh doanh 2023, DHG dự tính trình cổ đông thông qua mức doanh thu 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.130 tỷ đồng, cổ tức 35% bằng tiền mặt…
Với một số nhà đầu tư, cổ tức có thể không quan trọng bằng biến động tăng giá cổ phiếu, tuy nhiên, việc doanh nghiệp duy trì được việc trả cổ tức cho thấy tiềm lực tài chính và sự ổn định trong hoạt động kinh doanh và từ đây cổ phiếu được định giá tốt. Thị giá cổ phiếu của những doanh nghiệp duy trì tỷ lệ cổ tức cao qua các năm đều neo ở mức khá cao, bất chấp biến động của thị trường chứng khoán. Đơn cử, cổ phiếu RAL hiện đang giao dịch ở mức trên 90.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng Hợp
(ĐTCK)