Sáng nay, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ kỳ hạn qua đêm và 1 tuần trong khi giảm nhẹ ở các kỳ hạn 2 tuần và một tháng.
Theo đó, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm hiện đang là 5,45%, tăng 0,01% so với hôm qua.
Hôm 13/4, NHNN chào thầu 15.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày và 15.000 tỷ đồng kỳ hạn 28 ngày, đều với lãi suất 5,0%. Tổng cộng có 6.177,31 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 7 ngày, 10.303,58 tỷ đồng ở kỳ hạn 28 ngày; có 424 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, không có khối lượng đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 16.056,89 tỷ đồng ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở.
Tính từ đầu tuần tới nay, NHNN đã bơm ròng hơn 40.700 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở, lượng trúng thầu tăng hơn trước do lãi suất chào thầu của NHNN “rẻ” hơn lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.
Trong khi mặt bằng lãi suất liên ngân hàng được neo cao thì tỷ giá tiếp tục có dấu hiệu hạ nhiệt. Tỷ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh sau khi đồng USD thế giới xuống thấp nhất 2,5 tháng, sau khi chỉ số giá sản xuất của Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 3, thúc đẩy kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Sáng nay, Vietcombank sáng nay niêm yết giá mua vào – bán ra đồng USD ở mức 23.275 – 23.615 VND/USD, tăng nhẹ 5 đồng mỗi USD so với phiên hôm qua nhưng giảm 15 đồng so với phiên hôm kia. VietinBank niêm yết tỷ giá mức 23.277 – 23.617 VND/USD, tăng tới 44 đồng so với phiên hôm qua.
Trên thị trường tự do, tỷ giá đồng loạt giảm khoảng 20 đồng mỗi USD, xuống quanh 23.400 – 23.450 VND/USD.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể sẽ thay đổi chính sách tiền tệ, vì vậy đồng yên (JPY) có thể được giao dịch ở mức 125 JPY/USD vào cuối tháng 6/2023 và sau đó giao dịch ở mức 120 JPY/USD vào cuối năm nay.
Craig Chan, người phụ trách chiến lược ngoại hối toàn cầu của Tập đoàn tài chính Nomura tỏ ra khá chắc chắn về dự báo trên.
Dự báo trên được đưa ra bởi quan điểm của Nomura rằng chu kỳ lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đạt đỉnh, cùng với kỳ vọng BoJ có thể điều chỉnh chính sách đường cong lợi suất của mình.
Trước đó, tân Thống đốc BoJ, Kazuo Ueda, cho biết, sẽ duy trì các chính sách tiền tệ phi truyền thống để đạt được mục tiêu lạm phát 2% của ngân hàng trung ương.
Ông Ueda cho biết, việc duy trì chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) hiện tại và chính sách lãi suất âm của ngân hàng là rất phù hợp.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2023 của Mỹ thấp hơn dự kiến, do đó một số chuyên gia kinh tế dự đoán chu kỳ tăng lãi suất của Fed có thể sẽ sớm dừng lại.
Đồng yên Nhật được giao dịch ở mức 133 JPY/USD trong phiên 13/4 tại châu Á. Dự báo 120 JPY/USD có nghĩa là đồng tiền này sẽ tăng khoảng 21% so với mức thấp nhất vào ngày 20/10 là 151,94 JPY/USD.
Ông Chan cho biết, việc BoJ tiến hành các điều chỉnh và thời điểm thực hiện có thể là khác nhau. BoJ có thể chuyển mục tiêu từ 10 năm sang 5 năm hoặc thậm chí là 2 năm.
Ông cho biết thêm, việc từ bỏ hoàn toàn chính sách YCC là không thực tế vào thời điểm này, mà có thể tiến hành trong tháng 5 hoặc tháng 6/2023.
Divya Devesh, nhà chiến lược ngoại hối châu Á của Ngân hàng Standard Chartered ước tính rằng, thị trường có thể thấy đồng yen giao dịch ở mức 120 JPY/USD vào cuối năm nay.
Khi những lo ngại gia tăng về sự hỗn loạn tài chính lan rộng, nhà đầu tư đang tìm kiếm các tài sản ít có nguy cơ mất giá hơn, trong đó có đồng yên.
Đồng nội tệ Nhật Bản đã giảm giá mạnh trong năm ngoái khi xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu đã nới rộng chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và các nền kinh tế khác. Tuy nhiên, sự khác biệt về chính sách tiền tệ này dường như là một yếu tố khiến đồng tiền này đang trên đà hồi phục gần đây.
Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, đồng yên đã mạnh lên trong tháng 3, chủ yếu do mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Giá trị mua ròng trái phiếu chính phủ Nhật Bản trung hạn và dài hạn đạt kỷ lục trong tuần kết thúc ngày 18/3 là 4.000 tỷ yên (31 tỷ USD).
Dù vậy, so với diễn biến trong quá khứ, mức tăng giá đồng yên hiện nay không rõ rệt như trong thời kỳ khủng hoảng trước đây.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và trận động đất sóng thần năm 2011, giá trị của đồng yên đã tăng vọt khi thặng dư thương mại lớn của nước này thúc đẩy nhu cầu về tiền tệ trong nền kinh tế toàn cầu, cùng với việc doanh nghiệp trong nước sẽ mang doanh thu ở nước ngoài về nước.
Tổng Hợp
(ĐTCK)