Dịch Covid-19 đang trở thành gánh nặng tài chính với nhiều người mua nhà trả góp khi các công ty, doanh nghiệp liên tục cắt giảm nhân sự.
“Tắt thở” vì dịch Covid-19
Để sở hữu nhà khi chưa đủ tài chính thì việc vay nợ là giải pháp tối ưu, đặc biệt là với vợ chồng trẻ. Tùy vào mức thu nhập mà người lao động sẽ chọn mức vay phù hợp trong khả năng thanh toán. Nhưng sự xuất hiện bất ngờ của dịch Covid-19 đang làm đảo lộn và phá vỡ đi mọi tính toán, dự kiến của người mua nhà. Và đẩy họ vào thế bí khi không may nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự trong mùa dịch. Chính bởi vậy, áp lực trả nợ tiền nhà đang là mối lo tiềm ẩn của rất nhiều gia đình hiện nay.
Sự xuất hiện bất ngờ của dịch Covid-19 đang làm đảo lộn và phá vỡ đi mọi tính toán, dự kiến của người mua nhà
Đã gần 1 tháng qua, chị Thanh Xuân (Hà Nội) phải nghỉ việc tạm thời ở nhà do công ty làm ăn khó khăn trong mùa dịch. Đồng nghĩa với việc, mọi chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình giờ đây sẽ đổ dồn lên đôi vai của người chồng.
“Giá như vợ chồng tôi không phải trả tiền mua nhà vào lúc này thì mọi thứ sẽ nhẹ nhàng, dễ thở hơn. Nhưng đấy chỉ là giả tưởng vì hàng tháng tôi vẫn phải trả hơn 5 triệu đồng cho ngân hàng với khoản vay mua nhà” – chị Xuân trút bầu tâm sự.
Chị Xuân cho hay, vợ chồng chị kết hôn được 2 năm thì tính đến chuyện mua nhà. Chị mua 1 căn chung cư cũ ở Hoàng Mai (Hà Nội) với giá là 1,7 tỷ đồng. Căn nhà gồm 2 phòng ngủ, 1 phòng bếp và 1 khu vực vệ sinh. Trong đó 300 triệu đồng là khoản vay ngân hàng cho 10 năm với lãi suất 2 năm đầu là 8%, từ năm thứ 3 là 11%.
Trước đây, tổng thu nhập của 2 vợ chồng chị là 25 triệu đồng/tháng, trừ hết chi phí sinh hoạt, ăn uống, trả tiền nhà, anh chị vẫn còn 5 triệu đồng để tiêu vặt. Nhưng từ khi có dịch, thu nhập của gia đình bị sụt giảm 1/2 nên việc trả nợ ngân hàng giờ đây trở thành áp lực.
Áp lực trả nợ tiền nhà đang là mối lo tiềm ẩn của rất nhiều gia đình hiện nay
Cùng chung nỗi lo, chị Ngọc Thảo (Hà Đông, Hà Nội) như ngồi trên đống lửa khi ngày trả khoản vay ngân hàng cận kề. Chị mới mua 1 căn hộ cao cấp hơn 3 tỷ đồng vào tháng 1/2020, chị trả thẳng 2,1 tỷ đồng, còn lại 900 triệu đồng là vay ngân hàng. Với lãi suất 9% cho 10 năm thì mỗi tháng chị phải trả cả gốc lẫn lãi 11,9 triệu đồng, chiếm 30% tổng thu nhập hàng tháng của gia đình.
“Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, thay vì đến cơ quan tôi vẫn được làm ở nhà và hưởng nguyên lương. Nhưng tổng thu nhập của gia đình lại giảm mạnh vì công ty của chồng tôi đang gặp khó khăn” – chị Thảo nói.
Tìm vạn đường xoay sở
Để tháo gỡ khó khăn, chị Thảo buộc phải cắt giảm toàn bộ chi phí sinh hoạt của gia đình trong gần 1 tháng nay. Ngay cả dự định có nên cho con học trường quốc tế hay không cũng được vợ chồng chị xem xét lại. Bởi ưu tiên lớn nhất của gia đình trước mắt là xử lý xong khoản vay nợ tiền nhà.
“Nếu tình hình dịch không thuyên giảm mà tiếp tục kéo dài 2- 3 tháng nữa khéo vợ chồng tôi không chống đỡ nổi. Bởi chi phí sinh hoạt, tiền nuôi con nhỏ rất tốn kém mà chúng tôi lại chưa có tích trữ nhiều” – chị Thảo tâm sự.
Cắt giảm chi phí sinh hoạt là cách mà nhiều gia đình thực thi trong mùa dịch
Từ ngày nghỉ dịch không lương, chị Xuân cũng lên mạng tìm các công việc part-time như thêu thùa, làm đồ thủ công tại nhà. Nhờ chăm chỉ, kiên nhẫn mà mỗi tháng chị cũng kiếm thêm được 2 triệu đồng, số tiền tuy không thấm vào đâu so với mức lương của chị ngày trước nhưng ở thời điểm hiện tại cũng giúp trang trải cuộc sống phần nào.
“Nếu ngày trước chúng tôi có tiêu 10 đồng thì nay cũng chỉ dám xài 3 – 4 đồng, bởi đó là cách duy nhất vượt qua khó khăn lúc này. Giờ tôi thêm một chút, ông xã cố thêm một tý là ổn, chứ giờ biết làm sao, nhà thì đã mua rồi nên giờ cố kiếm tiền mà trả nợ”- chị Xuân nói.
Áp lực không chỉ dành cho những người thuộc diện mua nhà mà còn là bài toán nan giải của nhiều hộ đang đi thuê nhà trong mùa Covid-19. Như gia đình anh Ngọc Sơn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) mỗi tháng phải trả 5 triệu đồng tiền thuê nhà (đã bao gồm tiền điện nước). Trong khi đó, thu nhập của vợ chồng anh hiện giảm chỉ còn 12 triệu đồng/tháng nếu trừ hết chi phí thì không còn là bao.
“May mắn hơn nhiều người là giữa mùa dịch chúng tôi vẫn có việc để làm và nhận lương hàng tháng. Nhưng với mức lương giảm như bây giờ, tôi cũng không dám hy vọng, ước mơ nhiều, chỉ mong đủ để sống qua ngày” – anh Sơn buồn rầu nói.
Để tiết kiệm chi phí ăn uống hàng ngày, anh chị nhờ ông bà gửi thực phẩm từ quê lên. Đều như vắt chanh, cứ ngày vào ngày 15 hàng tháng, anh Minh lại thùng lớn thùng nhỏ ra bến xe nhận đồ.
Hoàng Dung