Giữ vững ổn định thị trường tài chính tiền tệ trong bối cảnh nhiều biến động
Kinh tế – xã hội của nước ta đã trải qua 3 tháng đầu năm 2023 đầy biến động và thách thức. Điều này thể hiện rõ nét qua những con số như tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32% – thấp nhất trong giai đoạn hơn 10 năm qua hay số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số thành lập mới…
Tuy nhiên, nhiều dự báo lạc quan về sự phục hồi, cải thiện của nền kinh tế nước ta trong thời điểm Quý II hoặc Quý III năm nay. Trong đó, chính sách tài chính – tiền tệ chủ động, linh hoạt đã và sẽ góp phần không nhỏ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
NHNN đã điều hành chính sách tài chính- tiền tệ chủ động, linh hoạt được thể hiện qua hai lần trong chưa đầy một tháng, NHNN giảm các mức lãi suất điều hành. Giảm lãi huy động là cơ hội để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế. 0,2% – 1%/năm là mức giảm lãi suất huy động của hầu hết các ngân hàng, sau khi NHNN có động thái giảm lãi suất điều hành.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, lãi suất đã hình thành xu hướng đi xuống khá nhanh, trên nền lạm phát thấp. Chi phí vốn, giá vốn đang rẻ hơn và dễ hấp thụ hơn. Sau điều chỉnh, lãi suất phổ biến từ 5,8-8,9%/năm, cho các khoản tiền gửi từ 6-12 tháng. Lãi cao nhất trên 9%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn dài từ 13 tháng trở lên và cũng chỉ xuất hiện ở 1 số rất ít ngân hàng.
Ông Ngô Minh Đức, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính LCTV Investment, cho biết: “Nỗ lực giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là cố gắng rất lớn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc kìm chế lạm phát cũng như đạt mục tiêu thúc đẩy kinh tế, khiến lãi suất giảm, giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí, tiếp cận vốn vay, từ đó thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh lạm phát của thế giới đang tăng cao”.
Nhờ những chính sách linh hoạt đó, quý 1/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.
Cũng theo NHNN, tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu, các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các TCTD; tích cực tham gia hỗ trợ, xử lý các TCTD yếu kém và dành nguồn lực để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng vay gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Về cơ bản sự ổn định, an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững. Năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành, các chuẩn mực, thiết chế an toàn của hệ thống TCTD từng bước được củng cố, tiệm cận thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định: “Ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững ổn định mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi, ổn định tỷ giá, tỷ giá có thể tăng ở mức 1,5-2%. Với dòng vốn đầu tư nước ngoài phải theo dõi và tiếp tục tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi để nhà đầu tư tin tưởng, tiếp tục đầu tư vào Việt Nam hiện nay và thời gian tới”.
Về diễn biến tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã mua 4 tỷ USD trong quý 1, đồng nghĩa với việc bơm tiền ra, giúp hệ thống dồi dào thanh khoản… Qua sự kiện rút tiền hàng loạt của SCB tháng 10 năm ngoái cũng như sự sụp đổ của một số ngân hàng ở Mỹ với bài học quản trị thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tập trung hơn vào ổn định an toàn, cũng như đáp ứng thanh khoản cho người dân. Quyết định được đưa ra trên cơ sở, Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed điều chỉnh lộ trình tăng lãi suất thấp và tỷ giá VND/USD ổn định.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá quyết định cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là động thái phù hợp để thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp, tăng trưởng GDP chậm và lạm phát trong tầm kiểm soát.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhận định: “Chúng ta đang duy trì tỷ giá tích cực hơn cả các nước xung quanh. Mong muốn của chúng tôi là sẽ cố gắng duy trì sự ổn định của tỷ giá, đảm bảo hài hòa cho chính sách xuất khẩu cũng như nhập khẩu, đặc biệt thu hút dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam.
Các tổ chức tài chính Quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á ADB khuyến nghị Việt Nam tiếp tục phối hợp các biện pháp tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế. Việc thực hiện chương trình nhà ở xã hội cần cân bằng giữa nhu cầu cho vay thận trọng để tránh các khoản nợ xấu trong tương lai với nhu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Mặc dù chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, Việt Nam vẫn nên tiếp tục ưu tiên ổn định giá cả, ứng phó với tác động từ bên ngoài và việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công vẫn có thể làm gia tăng lạm phát trong năm 2023. Lạm phát được dự báo sẽ tăng nhẹ lên 4,5% trong năm 2023.
Tổng Hợp
(VOV)