Được xem là phân khúc chủ đạo của thị trường các địa phương ven biển miền Trung, nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, bất động sản nghỉ dưỡng đã bị tụt lại phía sau so với các phân khúc khác trên thị trường.
Năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát và Việt Nam mở cửa hoạt động du lịch quốc tế trở lại, ngành du lịch vẫn gặp nhiều thách thức khiến quá trình khôi phục của thị trường này cũng chậm theo.
heo số liệu thống kê của VNREA, năm 2022, cả nước có 239 dự án bất động sản du lịch, với khoảng 114.000 căn condotel, giá trị ước tính 297.000 tỷ đồng; gần 24.400 biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, giá trị ước tính 244.000 tỷ đồng; gần 30.900 shophouse, giá trị ước tính 154.000 tỷ đồng.
Đến nay, hầu hết các sản phẩm này chưa được cấp chứng nhận quyền sở hữu (sổ hồng) cho các nhà đầu tư thứ cấp, nên chưa thể giao dịch, mua bán trên thị trường thứ cấp. Đây chính là điểm nghẽn trong phát triển các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua.
Báo cáo mới đây của DKRA Group cho biết, thanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng liên tục sụt giảm do ảnh hưởng bởi khó khăn chung trên thị trường. Riêng 2 tháng đầu năm 2023, nguồn cung của các phân khúc nghỉ dưỡng ghi nhận mức thấp nhất từ trước tới nay.
Cụ thể, cả nước chỉ ghi nhận 3 căn biệt thự nghỉ dưỡng mới và chỉ một căn được giao dịch. Shophouse nghỉ dưỡng có 6 căn mới ra thị trường – mức thấp nhất từ trước tới nay, nhưng thị trường không ghi nhận giao dịch nào đối với loại hình này. Đáng chú ý, phân khúc căn hộ khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng (condotel) không có dự án mở bán mới. Thị trường gần như “đóng băng” sau những tín hiệu hồi phục tích cực giai đoạn đầu năm 2022.
“Sau 2 năm đại dịch, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tuy đã dần quay trở lại, nhưng tốc độ chưa đạt được như mức trước dịch”, đại diện DKRA Group nói và cho biết, trước áp lực về lạm phát, lãi suất, nguồn vốn tín dụng bị tắc nghẽn chưa được tháo gỡ, nhiều chủ đầu tư có tâm lý thận trọng khi đưa sản phẩm ra thị trường và liên tục dời thời gian bán hàng do chưa đạt lượng đặt trước như kỳ vọng.
Bên cạnh các yếu tố vĩ mô, những động thái tháo gỡ về pháp lý mới đây của Chính phủ sẽ giúp phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng “tỉnh giấc”. Cụ thể, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật Đất đai mới đây đã quy định chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ đối với công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), việc ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP có ý nghĩa rất lớn trong việc tháo gỡ những nút thắt về pháp lý cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, cụ thể là cho người mua condotel và văn phòng lưu trú (officetel), biệt thự du lịch nghỉ dưỡng trong bối cảnh phân khúc này chìm trong giấc ngủ dài do vướng mắc về pháp lý.
Điều này tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trở lại đầu tư vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vốn được đánh giá rất có tiềm năng phát triển tại Việt Nam, qua đó góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, cần phải có hướng dẫn chi tiết, dễ xử lý những vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện.
Cụ thể trong báo cáo mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, trong quý I/2023, có 20 dự án du lịch nghỉ dưỡng mở bán giai đoạn mới, đưa ra thị trường 826 sản phẩm, chủ yếu đến từ các dự án tại khu vực đảo Phú Quốc (Kiên Giang).
VARS thông tin, trong quý vừa qua, nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm trước, sản phẩm căn hộ du lịch gần như vắng bóng trên thị trường.
Cụ thể hàng loạt dự án đã đóng giỏ hàng, rời hoạt động mở bán và đưa vào khai thác theo kế hoạch để chờ đợi, quan sát thêm trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, lượng thanh khoản trên thị trường ở mức rất thấp, hấp thụ chỉ đạt khoảng 7%, tương đương 58 sản phẩm.
Mặc dù tỉ lệ hấp thụ thấp, song VARS cho hay, mặt bằng giá sơ cấp phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng được các chủ đầu tư điều chỉnh tăng so với cuối năm ngoái, quay trở lại với mức giá chào bán trong quý I và III/2022.
Đây là diễn biến gây nhiều bất ngờ bởi thời gian qua, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng chưa có tín hiệu khởi sắc, có dấu hiệu phục hồi chậm hơn so với các phân khúc còn lại. Chưa kể các vấn đề pháp lý với bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang là trở ngại lớn cho các chủ đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, hạ tầng, dịch vụ đi theo để phục vụ hoạt động du lịch đã và đang được quan tâm, tuy nhiên, chưa thực sự tốt, chưa sức hấp dẫn để thu hút và giữ chân khách du lịch.
Tổng Hợp
(ĐTCK, Lao Động)