Loạt công ty tự báo cáo thì lãi to, kiểm toán vào thì… co mất lãi, có doanh nghiệp “bốc hơi” 99% lợi nhuận sau kiểm toán…
Đáng chú ý nhất phải kể đến Dabaco (mã chứng khoán: DBC) do ông Nguyễn Như So Chủ tịch HĐQT. Doanh nghiệp lớn trong mảng chăn nuôi này công bố lãi sau thuế 150 tỷ đồng trong báo cáo tự lập. Song sau khi kiểm toán, khoản lợi nhuận sau thuế đã “bốc hơi” 145 tỷ đồng, chỉ còn 5 tỷ đồng.
Dù doanh nghiệp đã lý giải nguyên nhân của việc này là do sự thay đổi quy định của pháp luật liên quan tới thủ tục nghiệm thu công trình xây dựng đưa vào sử dụng, song không ít độc giả, nhà đầu tư vẫn thể hiện thái độ. Một số nhà đầu tư cho biết việc số liệu của báo cáo tự lập và báo cáo kiểm toán vênh hàng trăm tỷ đồng như trên càng làm cho họ mất niềm tin trong đầu tư cổ phiếu của doanh nghiệp.
Với con số trên, so với năm 2021, lợi nhuận sau kiểm toán năm 2022 của doanh nghiệp này ghi nhận mức giảm 99%. Năm qua, đại hội đồng cổ đông Dabaco giao phó kế hoạch 918 tỷ đồng lợi nhuận và doanh nghiệp đạt được chưa đến… 1% kế hoạch.
Có phần bi kịch hơn, Tập đoàn Danh Khôi (mã chứng khoán: NRC) từ mức lãi 6,3 tỷ đồng sau thuế năm 2022 theo báo cáo tự lập, sau kiểm toán chuyển sang lỗ gần 73 tỷ đồng (tức chênh lệch 79 tỷ đồng). Doanh nghiệp cho biết lý do là báo cáo kiểm toán công ty phải ghi nhận trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi 92,5 tỷ đồng dẫn đến chi phí quản lý tăng thêm một khoản tương ứng.
Báo cáo tài chính kiểm toán cho thấy công ty đã nợ quá hạn người lao động số tiền 11 tỷ đồng. Đồng thời, do nợ thuế, Danh Khôi đã nhận quyết định của Cục Thuế TPHCM về việc ngừng sử dụng hóa đơn từ ngày 14/11/2022 đến ngày 13/11/2023. Số lượng nhân viên của doanh nghiệp này tính đến cuối năm 2022 chỉ còn 149 người, trong khi đầu năm số nhân viên là 1.007 người.
Cũng chuyển từ lãi thành lỗ, Công ty Thép B.C.H (mã chứng khoán: BCA) ghi nhận lỗ lớn 74 tỷ đồng sau kiểm toán. Trước đó, trong báo cáo tự lập, công ty báo lãi 2 tỷ đồng. Giải thích cho chuyện này, phía B.C.H cho biết do công ty phải ghi nhận trích lập bổ sung dự phòng phải thu khó đòi, tương tự Danh Khôi.
Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG) cũng tăng lỗ tăng gần gấp đôi sau kiểm toán. Cụ thể, lợi nhuận kiểm toán của Thép Nam Kim giảm thêm 57,98 tỷ đồng, từ lỗ 66,71 tỷ đồng sang lỗ 124,68 tỷ đồng mà nguyên nhân chủ yếu là giá vốn hàng bán tăng 60,85 tỷ đồng, từ 21.529 tỷ đồng lên 21.589,9 tỷ đồng.
Thép Nam Kim giải thích giá vốn hàng bán tăng sau kiểm toán do trích lập dự phòng hàng tồn kho tại Công ty con “Ống Thép Nam Kim” và không thực hiện loại trừ lỗ chưa thực hiện năm nay đối với Công ty con “Ống Thép Nam Kim”.
Trong năm 2022, Thép Nam Kim đặt kế hoạch tổng doanh thu 28.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng. Như vậy, với việc ghi nhận lỗ 124,68 tỷ đồng trong năm 2022, Thép Nam Kim đã không hoàn thành kế hoạch lãi 1.600 tỷ đồng mà Đại hội đồng cổ đông giao cho Ban điều hành.
Tân Tạo (mã chứng khoán: ITA) cũng lỗ thêm cả trăm tỷ đồng. Cụ thể, báo cáo tự lập của công ty cho thấy lỗ 176 tỷ đồng. Song sau kiểm toán, lỗ đã tăng lên thành 258 tỷ đồng. Doanh nghiệp giải thích nguyên nhân chủ yếu là phát sinh tăng khoản chi phí thuế thu nhập hoãn lại. Không chỉ có vậy, kiểm toán còn thực hiện điều chỉnh hồi tố lợi nhuận của năm 2021 từ dương 274 tỷ xuống âm 404 tỷ đồng, do tăng trích lập dự phòng các khoản phải thu quá hạn khó đòi.
Nhận định về điều này, ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam – cho rằng sở dĩ như vậy vì doanh nghiệp có khuynh hướng đầu năm đưa ra kế hoạch khá hoành tránh, và tới cuối năm thì chỉ số rất kém có thể do những biến động khôn lường của thị trường.
“Đúng là rất nhiều trường hợp như vậy chứ không ít”, ông nói. Nhìn vấn đề theo cách nhẹ nhàng, điều này có thể đến từ sự chủ quan và sự cố ngoài mong muốn của HĐQT, ban lãnh đạo công ty. “Đâu đó, thị trường có một vài doanh nghiệp mà đội ngũ lãnh đạo quá tự tin với kế hoạch đề ra, nên trong năm có những biến cố ập đến nên kết quả không như mong muốn”, ông Phương cho biết.
Cụ thể, với trường hợp của Dabaco, theo ông, sự việc có thể đến từ thực tế hiện nay là giá thịt heo giảm mạnh, sức bán hàng cũng giảm trong khi giá nguyên vật liệu tăng. Còn với Thép Nam Kim, câu chuyện nằm chung trong khó khăn của nhóm ngành thép khi đến “anh cả” ngành này là Hòa Phát cũng thua lỗ.
“Riêng ngành thép năm 2022 và quý I/2023 rất khó khăn, nên Nam Kim, theo tôi, có thể đã hạch toán hết khó khăn vào kinh doanh. Khó khăn của ngành cũng có vẻ đã chạm đáy, đây là con số xấu nhất của doanh nghiệp này”, chuyên gia nhìn nhận.
Tổng Hợp
(Dân Trí)