Lịch sử đó là cơ sở để hy vọng rằng tình trạng hỗn loạn tồi tệ nhất hiện nay có thể đã qua với sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank, cũng như việc Credit Suisse buộc phải sáp nhập với UBS trong tháng này.
Tuy nhiên, một lịch sử khác cũng có thể xảy ra, đó là một cuộc khủng hoảng ăn mòn dần và có tính chất chuyển động chậm. SVB sụp đổ vì sự kết hợp của các yếu tố cấu trúc mà ở mức độ thấp hơn để có thể ảnh hưởng đến nhiều định chế. Nhưng điều đó có thể buộc nhiều ngân hàng trong những năm tới phải thu hẹp hoặc bị mua lại, một quá trình cũng cản trở việc cung cấp tín dụng.
Trong nhiều thập kỷ trước, các cuộc khủng hoảng ngân hàng trên khắp thế giới thường mất nhiều năm để bộc lộ. Từ năm 1980 đến năm 1994, khoảng 3.000 định chế tài chính và ngân hàng của Mỹ đã bị đóng cửa hoặc được giải cứu.
Cuộc khủng hoảng lần này bắt đầu khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy lãi suất tăng mạnh để kiểm soát lạm phát. Các ngân hàng do đó sẽ bị kiềm chặt giữa các khoản cho vay có lãi suất thấp và lãi suất tiền gửi và lãi suất của quỹ thị trường tiền tệ gia tăng.
Từ năm 2008 đến năm 2021, Fed giữ lãi suất gần bằng không. Các ngân hàng tăng cường nắm giữ trái phiếu của chính phủ để tìm kiếm lợi tức. Khi lãi suất bắt đầu tăng mạnh vào năm 2022, giá trị thị trường của những trái phiếu đó đã giảm mạnh. Mặc dù những tổn thất đó đặc biệt nghiêm trọng tại SVB, nhưng SVB không phải là ngân hàng duy nhất chịu ảnh hưởng.
Giáo sư tài chính Amit Seru của Đại học Stanford và ba đồng tác giả gần đây đã ước tính rằng, 11% ngân hàng Mỹ, tương ứng với khoảng 500 ngân hàng đã chịu tổn thất cao hơn SVB theo tỷ lệ phần trăm lớn hơn đối với tài sản của họ do lãi suất.
Tuy nhiên, trong các cuộc khủng hoảng trước đây, yếu tố vỡ nợ cuối cùng quan trọng hơn lãi suất. Vào những năm 1980, các khoản cho vay bất động sản thương mại chịu ảnh hưởng, xây dựng quá mức và sự sụp đổ của giá dầu và khí đốt. Mexico và các nền kinh tế mới nổi khác không trả được nợ. Trong năm 2007-2009, các khoản nợ dưới chuẩn và các công cụ phái sinh liên quan trở nên tồi tệ.
Bức tranh tín dụng bây giờ có vẻ ít đáng lo ngại hơn. S&P Global Ratings tính toán 86% chứng khoán của các ngân hàng được liên bang bảo đảm trong quý III/2022, so với 71% vào năm 2008.
Tuy nhiên, trong khi suy thoái kinh tế sẽ thúc đẩy vỡ nợ, nó cũng có thể dẫn đến lãi suất giảm, điều này sẽ nâng giá trị của danh mục đầu tư trái phiếu. Trên thực tế, tổng số lỗ chưa thực hiện đã giảm trong quý IV/2022 khi lợi suất trái phiếu giảm.
So với trước đây, vấn đề lớn hơn đối với các ngân hàng không phải là phần tài sản trong bảng cân đối kế toán mà là phần nợ phải trả.
Điều đó một phần là do phản ứng của chính sách tài khóa và tiền tệ đối với đại dịch. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã khởi động lại việc mua trái phiếu và Bộ Tài chính đã gửi các khoản kích thích lớn và các khoản cứu trợ khác trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của các hộ gia đình. Kết quả là, tiền gửi phình to. Moody’s cho biết, tỷ lệ các khoản vay ngân hàng trên tiền gửi đã giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm là khoảng 60% vào tháng 9/2021.
Mặc dù tỷ lệ tiền gửi của các ngân hàng không được bảo hiểm ngày càng tăng, nhưng chúng được cho là tương đối ít có xu hướng thay đổi. Nhưng mạng xã hội và các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại thông minh dường như đã thay đổi điều đó.
Mặc dù ngân hàng trực tuyến đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, nhưng nó đã trở nên phổ biến và mạnh mẽ hơn nhiều. Theo Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), tỷ lệ khách hàng ngân hàng sử dụng internet hoặc ngân hàng điện tử đã tăng từ 52% trong năm 2017 lên khoảng 66% vào năm 2021.
Điều này không thành vấn đề khi lãi suất gần bằng 0. Nhưng khi Fed tăng lãi suất lên 4% vào năm ngoái, những người gửi tiết kiệm bắt đầu di chuyển: tiền gửi tiết kiệm đã giảm trong năm qua, một phần do Fed đảo ngược việc mua trái phiếu khiến nguồn tiền dự trữ của ngân hàng sụt giảm.
Jim Bianco, Chủ tịch của Bianco Research dự đoán, những dòng chảy như vậy sẽ càng trở nên dễ dàng hơn với sự ra mắt của FedNow vào tháng 7/2022. Đây là một dịch vụ thanh toán theo thời gian thực do Fed vận hành, qua đó khách hàng của ngân hàng có thể chuyển tiền ngay lập tức thay vì chờ giao dịch được giải quyết.
Ông Bianco dự đoán: “Hành vi tiền gửi hiện đã thay đổi, nó sẽ nhạy cảm hơn nhiều với thị trường so với lãi suất tiền gửi”.
Điều này có thể sẽ gây tổn hại nhiều hơn cho những ngân hàng nhỏ hơn và trong khu vực, bởi vì những người gửi tiền theo phản xạ sẽ chuyển tiền của họ đến các ngân hàng mà họ cho là quá lớn để phá sản. Theo đó, trong tuần từ ngày 9/3 tới 15/3, các ngân hàng nhỏ hơn đã mất 120 tỷ USD tiền gửi trong khi tiền gửi mà các ngân hàng lớn nhất nhận được là 66 tỷ USD.
Daleep Singh, cựu cố vấn kinh tế của Tổng thống Biden, hiện là nhà kinh tế trưởng tại PGIM Fixed Income cho biết, những người tiết kiệm hoặc doanh nghiệp nhỏ có số tiền gửi trên mức tối đa được bảo hiểm liên bang là 250.000 USD sẽ chuyển số tiền đó đến “các lựa chọn thay thế an toàn hơn”.
Khi Moody’s hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Mỹ vào đầu tháng này, cơ quan này cũng trích dẫn mối đe dọa đối với tiền gửi của nhiều ngân hàng: “Các ngân hàng có khoản lỗ chứng khoán chưa thực hiện đáng kể và với những người gửi tiền không thuộc lĩnh vực bán lẻ và không có bảo hiểm của Mỹ có thể nhạy cảm hơn với sự cạnh tranh của người gửi tiền, với những tác động bất lợi đến nguồn vốn, thanh khoản, thu nhập và vốn. Lãi suất cao sẽ thêm vào những áp lực này cho đến khi lạm phát quay trở lại mục tiêu 2% của Fed”.
Trừ khi bảo hiểm liên bang được mở rộng cho tất cả các khoản tiền gửi, nếu không các ngân hàng vừa và nhỏ có thể chịu áp lực đối với tiền gửi của họ trong một thời gian dài, điều này có thể buộc họ phải bị mua lại hoặc hạn chế cho vay. Nó sẽ không phải là một cuộc khủng hoảng theo nghĩa thông thường, nhưng kết quả cuối cùng có thể giống nhau.
Tổng Hợp
(ĐTCK)