Thấy sai mà không dám nhận và sửa kịp thời cũng chính là một loại “virus trì trệ” mà chúng ta cần phải ngăn chặn.
Có lẽ cụm từ “virus trì trệ” bắt đầu loang rộng trong xã hội kể từ chiều ngày 12/2/2020, khi Thường trực Chính phủ họp về đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (Covid-19). Tại cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đặc biệt là tiếp tục thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển tốt nhất nhằm hoàn thành nhiệm vụ. Cho nên, chúng ta phải chống cả 2 loại virus, một là virus Corona và một loại virus nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội của đất nước”.
Quả đúng là phải như vậy, bởi, theo nhiều chuyên gia, “con virus trì trệ” này nguy hiểm hơn gấp nhiều lần Covid-19. Chúng có nhiều đặc thù giống nhau, thí dụ như chỉ đồn trú ở một nơi nhất định (một bên là chủ yếu ở phổi của con người, còn một bên chủ yếu nằm trong bộ máy Nhà nước); chúng đều như một bóng ma vô hình, không dễ dàng nhìn thấy và sờ thấy; chúng cùng có khả năng sống ký sinh trong vật chủ, làm yếu đi một bộ phận quan trọng của vật chủ mà nhiều người biết nhưng bất lực… Tuy nhiên, con “virus trì trệ” nguy hiểm hơn là ở chỗ, nó đã xuất hiện nhiều năm hơn, sự ẩn náu khôn ngoan hơn, sức sống của nó mãnh liệt và dai dẳng hơn…
Vì vậy, để có thể thành công trong công cuộc phục hồi nền kinh tế nước nhà sau đại dịch Covid-19, nhất thiết cần phải phát hiện và ngăn chặn kịp thời những ca bệnh mới và ổ dịch mới về loại virus nguy hiểm này.
Hai “ca” liên tiếp ở Bộ Công thương
“Virus trì trệ” có rất nhiều chủng loại, tựa như virus viêm gan, có đến 5 chủng loại khác nhau. Có loại từ hiểu biết hạn hẹp mà sinh ra trì trệ. Có loại từ thiếu trách nhiệm và khan hiếm lòng tự trọng mà sinh ra trì trệ. Có loại từ tính lười biếng và thói quen ỷ lại sinh ra trì trệ. Cũng có loại, vì lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm, mà cố tình sinh ra trì trệ…
Tuy nhiên, chúng có chung một nguyên tắc bất di bất dịch rằng, trì trệ ở cấp càng cao thì tầm ảnh hưởng của nó càng lớn, tựa như hình chiếc nón úp vậy.
Thật không vui vẻ chút nào khi nhắc đến hai sự việc gần đây nhất xảy ra ở Bộ Công Thương.
Cách đây ít hôm, nhiều người bất ngờ khi nhận được thông tin, ngày 15/4/2020, Bộ Công Thương có công văn hỏa tốc đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ý kiến về việc gạo nếp có được tính trong lượng gạo dự trữ phục vụ an ninh lương thực Quốc gia hay không?
Thoạt nghe thì thấy có vẻ có lý vì gạo nếp cũng là một loại lương thực khá phổ biến trong cuộc sống. Khi gặp nạn đói, đến ngô, khoai, sắn cũng quan trọng trong dân chúng chứ chưa nói đến gạo nếp. Thế nhưng, chỉ cần chịu khó tư duy một chút thì dễ dàng thấy rằng, nếu dự trữ Quốc gia bằng gạo nếp sẽ là phi lý, bởi lẽ, nguồn hàng khan hiếm, giá cả đắt hơn, không thông dụng trong chế biến và sử dụng… trong khi hàng triệu tấn gạo tẻ trong nước đang chờ xuất khẩu!
Còn nếu bộ máy tham mưu có hạn hẹp về tư duy thì ít nhất cũng cần có hiểu biết tối thiểu rằng, đây là việc quan trọng, liên quan đến an ninh lương thực của một quốc gia, dứt khoát phải có văn bản cấp Nhà nước quy định vấn đề này. Vào thời buổi công nghệ 4.0, hoàn toàn có thể khai thác tư liệu qua hệ thống công nghệ thông tin, chứ không cần đến một công văn “hỏa tốc” cấp Bộ.
Chả thế, ngay ngày hôm sau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản trả lời, với sự chỉ dẫn rất nhẹ nhàng rằng, danh mục hàng lương thực dự trữ Quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) quản lý tại Nghị định số 94 ngày 21/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật dự trữ Quốc gia. Theo đó, danh mục hàng lương thực dự trữ quốc gia chỉ gồm gạo tẻ và thóc tẻ!
Thế mới đáng buồn, một văn bản hồn nhiên về nội dung và gửi sai cả địa chỉ tham vấn!
Thôi, đó chỉ là “ca” nhỏ. Vụ việc lớn hơn cách đấy ít ngày, cũng tại Bộ Công thương là vừa hôm trước tham mưu cho Chính phủ quyết định tạm ngưng xuất khẩu gạo, thì hôm sau lại vội vã đề nghị Chính phủ tạm dừng thi hành quyết định này.
Quả là một sự kiện vô tiền khoáng hậu. Một chính sách ảnh hưởng đến cuộc sống hàng triệu nông dân, hàng nghìn doanh nghiệp mà thiếu cẩn trọng như thế, làm sao khiến người dân và doanh nghiệp an tâm làm ăn?
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, ngay sau khi Chính phủ quyết định tạm ngừng xuất khẩu gạo, Bộ nhận được phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội và các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, cho rằng có thể số lượng gạo tồn kho ở trong dân lớn hơn, tình hình xuất khẩu trong tháng 3 có thể không tăng mạnh như dự báo, nên xuất hiện nhu cầu phải xác minh lại.
Vì vậy, Bộ đã kiến nghị Thủ tướng cho Bộ Công thương thời gian để làm việc với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, cho phép kiểm tra lại một lần nữa số lượng sản lượng vụ đông xuân, lượng tồn kho trong dân, số lượng tồn kho ở các doanh nghiệp, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký, để Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định.
Đấy, với những nhận định đầy cảm tính đi liền với vài cụm từ “có thể” ấy đã khiến cả một thị trường thế mạnh của nền kinh tế nước nhà chao đảo. “Virus trì trệ” là ở đấy chứ phải tìm đâu xa?
Một “ca” dai dẳng ở Bộ Tài chính
Chắc hẳn bạn đọc sẽ liên tưởng ngay đến việc sửa đổi Nghị định 20 mà Reatimes đã đề cập trong hàng chục bài viết và ý kiến chuyên gia trong suốt gần 2 năm qua.
Cho đến giờ này, mọi việc dường như đã ngã ngũ, con “virus trì trệ” đã lộ nguyên hình. Ngày 17/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng đối với Bộ Tài chính liên quan đến vấn đề này.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định đối với nội dung xử lý hồi tố cho năm 2017, 2018 theo phương án như ý kiến của đa số thành viên Chính phủ theo đúng quy chế làm việc của Chính phủ, bù trừ nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm.
Mạnh mẽ và quyết liệt hơn, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính ký tắt Nghị định, trình Thủ tướng ký, ban hành trong ngày 20/4. Thủ tướng đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính có giải pháp quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm khi xử lý hồi tố theo quy định của nghị định.
Nhân việc này, chúng ta thử phân tích xem tại sao “con virus” này lại sống dai dẳng đến thế?
Đầu tiên, phải khẳng định rằng, Nghị định 20 kia ban đầu cũng do Bộ Tài chính soạn thảo và trình Chính phủ. Mục tiêu của Nghị định nhìn tổng thể là rất rõ ràng, có hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn, đặc biệt trong việc chống chuyển giá xuyên biên giới để tránh thất thu thuế.
Tuy nhiên, khi áp dụng với các doanh nghiệp nội địa thì lại không đúng, khiến cho một phần của cùng dòng tiền lưu chuyển nội địa bị tính thuế 2 lần. Con số này chỉ riêng năm 2017 là ngót 5.000 tỷ đồng.
Theo dõi các văn bản liên quan đến việc Bộ Tài chính không đồng ý hồi tố gần 5.000 tỷ đồng kia, tôi nhận thấy một quan điểm khá kiên định của Bộ, đó là xác định việc sửa đổi Nghị định 20 lần này là “thay đổi chính sách” để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp những năm tiếp theo, chứ không phải là việc tính thuế sai.
Cùng với đó, Bộ Tài chính còn viện dẫn nhiều lý do thiếu thuyết phục khác, thí dụ như ngân sách Nhà nước đã quyết toán, không thể đảo ngược, rồi tạo cơ chế xin – cho trong quá trình hồi tố dẫn đến tiêu cực…, nhưng dứt khoát không nhận lỗi sai ngay từ đầu khi soạn thảo Nghị định 20 dẫn đến tình trạng tính “thuế chồng thuế”.
Thiệt hại của sai lầm này không biết bao nhiêu mà kể trong suốt 3 năm qua, vừa gây thiệt hại cho hàng nghìn doanh nghiệp, vừa làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế của nhiều lĩnh vực, vừa tạo nên một bóng ma ám ảnh về sự thiếu minh bạch của hệ thống thuế Quốc gia và niềm tin trong dân chúng…
Thấy sai mà không dám nhận và sửa kịp thời cũng chính là một loại “virus trì trệ” mà chúng ta cần phải ngăn chặn.
Liên quan đến vấn đề này, để công bằng thì có lẽ phải có lời khen ngợi Bộ Công thương khi ngay lập tức đề nghị Chính phủ sửa sai do lỗi của chính mình trong vụ xuất khẩu gạo vẫn còn đang nóng bỏng hiện nay.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh