Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành công văn về việc xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc phân lô, tách thửa và kinh doanh bất động sản trên địa bàn các huyện, thành phố.
Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức rà soát, lập, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn.
Ngoài việc thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản theo đúng quy định, UBND tỉnh yêu cầu, các địa phương tuyệt đối không để hình thành các khu dân cư, dự án bất động sản trái phép, không phù hợp với các quy hoạch sử dụng đất đai, xây dựng và quy hoạch đô thị. Đồng thời, các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng và kinh doanh bất động sản theo đúng quy định.
Đối với các khu vực, diện tích đất hộ gia đình, cá nhân đã hiến đất, làm đường giao thông và tách thửa hình thành các khu, điểm dân cư mới (thực chất là các dự án kinh doanh bất động sản) trên địa bàn các huyện, thành phố, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao UBND huyện, thành phố khẩn trương rà soát, phân loại và xử lý theo các hướng đúng quy định pháp luật.
Trong đó, đối với khu vực, diện tích đất phù hợp các quy hoạch hiện nay (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị), hướng dẫn doanh nghiệp hoặc hộ gia đình, cá nhân có đất tách thửa thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.
Lập dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 02/2022 ngày 6/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bất động sản.
Đối với khu vực, diện tích đất chỉ phù hợp với một trong các quy hoạch hiện nay mà địa phương có định hướng, dự kiến quy hoạch khu, điểm dân cư mới thì dừng các hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, san gạt mặt bằng, đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, thực hiện đầy đủ trình tự hồ sơ, thủ tục để xử lý vi phạm hành chính về đất đai, xây dựng quy hoạch đầu tư, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở… theo quy định.
Sau khi chấp hành xong việc xử lý vi phạm và đã điều chỉnh, bổ sung cho thống nhất giữa các quy hoạch thì hướng dẫn doanh nghiệp hoặc hộ gia đình, các nhân có đất tách thửa lập, hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục đảm bảo phù hợp giữa các quy hoạch đã điều chỉnh thống nhất, thành lập doanh nghiệp hoặc lập hợp tác xã và lập dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư.
Mặt khác, với các khu vực, diện tích đất không phù hợp với các quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị) sẽ thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục để xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, quy hoạch, quy hoạch, đầu tư, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở… theo quy định.
Riêng với các trường hợp này không điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa hồ sơ sai phạm, đảm bảo sự nghiêm minh trong công tác quản lý Nhà nước về đầu tư.
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải căn cứ quy định của pháp luật hiện hành để hướng dẫn UBND các huyện, thành phố hướng xử lý vi phạm trong hiến đất làm đường giao thông, tách thửa, kinh doanh bất động sản trái quy định trên địa bàn trong tháng 3/2023.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, rà soát các trường hợp hộ gia đình, cá nhân hiến đất, làm đường giao thông và tách thửa trên địa bàn tỉnh, từ đó đánh giá, xác định các trường hợp nào thuộc trường hợp hình thành các khu, điểm dân cư mới.
2 năm trở lại đây, Lâm Đồng nổi lên như “điểm nóng” của tình trạng phân lô, tách thửa khi hàng loạt thông tin rao bán đất nền nghỉ dưỡng, khu nghỉ dưỡng, khu biệt thự nghỉ dưỡng tràn lan trên mạng xã hội. UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo, kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan tới thực trạng này.
Đáng chú ý, Lâm Đồng đình chỉ 3 cán bộ tiếp tay cho phân lô bán nền trái phép, từ cuối năm 2020 đến nay, tại Thành phố Bảo Lộc, việc phân lô, bán nền diễn ra nở rộ, tràn lan. Hàng loạt dự án ma liên tục xuất hiện, quảng cáo rầm rộ, dẫn đến tình trạng đất bị thổi giá, mất cân bằng thị trường bất động sản trên địa bàn.
Hồi tháng 4/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố thanh tra hoạt động phân lô, bán nền tại tỉnh Lâm Đồng, trong đó có Thành phố Bảo Lộc.
Rất cần thiết sửa đổi một số quy định về tách thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa để hạn chế tình trạng phân lô, bán nền tràn lan
Mặc dù Luật quy định đối với vấn đề tách thửa phân lô, bán nền rất chặt chẽ và cụ thể, tuy nhiên theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), từ năm 2017 đến nay, tại một số địa phương, nhất là những khu vực đang đô thị hóa mạnh mẽ đã xuất hiện tình trạng “đầu nậu”, cò đất, doanh nghiệp bất lương, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, nhiều lần gây ra các cơn sốt ảo giá đất đi liền với tình trạng phân lô, bán nền tràn lan… Vấn nạn này đã tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản và làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, mà một trong các nguyên nhân bắt nguồn từ bất cập của một số quy định dưới Luật, cho phép tách thửa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, thực trạng trên cho thấy, rất cần thiết sửa đổi một số quy định về tách thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa để hạn chế tình trạng phân lô, bán nền tràn lan như hiện nay; đặc biệt cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Tổng Hợp
(Dân Trí, Thời Báo Ngân Hàng)