Đó là nhận định của ông Lâm Hoàng Đăng – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest khi chia sẻ về các giải pháp giúp doanh nghiệp chống chọi và vượt qua những khó khăn do dịch bệnh.
PV: Ông đánh giá như thế nào về các chính sách, gói hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian qua. Chúng đã đủ “liều lượng” để tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp chống chọi với đại dịch Covid-19?
Ông Lâm Hoàng Đăng: Dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản. Không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn chồng chất. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có những chính sách kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp kiến nghị cần có những tiêu chí cụ thể hơn với liều lượng mạnh hơn.
Đối với Nghị định 41 về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, thời gian gia hạn 5 tháng là quá ngắn, nhất là khi dịch bệnh vẫn chưa dừng lại mà còn có thể kéo dài thêm.
Với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tỷ trọng tiền thuê đất hàng năm trong cơ cấu chi phí của doanh nghiệp không lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp bất động sản vẫn cần một chính sách mạnh mẽ hơn trong thời gian khó khăn này như giảm 50 – 100% thuế thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020. Gia hạn thời gian nộp thuế VAT, tiền thuê đất sang năm 2021. Doanh nghiệp sẽ sử dụng số tiền này để duy trì bộ máy, trang trải các chi phí tài chính, tái đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi thị trường hồi phục.
Ngoài ra, nếu dịch bệnh còn kéo dài thêm, để hỗ trợ trực tiếp do doanh nghiệp bất động sản, thì cần thêm các chính sách đủ mạnh như miễn, giảm thuế phải nộp thay vì chỉ gia hạn.
Cần xác định thời gian và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của doanh nghiệp bất động sản. Dịch bệnh sẽ kéo dài sẽ để lại hậu quả nặng nề kể cả sau khi dịch được khống chế. Do đó, cần có biện pháp mạnh và kiên quyết hơn để hỗ trợ.
Cần gấp rút có tiêu chí cụ thể hỗ trợ về chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp thông qua các gói hỗ trợ cho tổ chức tín dụng để khoản nợ, giảm, miễn lãi vay. Sớm có chế tài để hỗ trợ cho doanh nghiệp khơi thông được kênh tín dụng ngân hàng, cho phép vay bổ sung với ưu đãi về tài sản bảo đảm, các điều kiện vay vốn khác, để tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn kinh doanh bất động sản bị đình trệ bởi dịch.
PV: Vâng, có thể nói, hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của Chính phủ để “vượt bão” Covid -19. Nhưng cũng phải khẳng định rằng, doanh nghiệp không thể chỉ ngồi chờ được hỗ trợ mà không có hành động gì để có thể bật dậy tốt nhất sau khi dịch đi qua?
Ông Lâm Hoàng Đăng: Tôi cho rằng thị trường bất động sản đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 1 năm qua, nay lại rơi vào tình thế “khó chồng khó” nên các Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cần nỗ lực gấp nhiều lần, thay đổi và thích ứng để có thể duy trì và vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này. Cơ hội thường chỉ đến với những doanh nghiệp ổn định, có quỹ đất tốt, có tiềm lực tài chính và có các sản phẩm được ra hàng kịp thời.
Để có thể làm được việc đó, các doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện chiến lược tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường và có sự đầu tư sản phẩm bài bản, chuẩn mực, sẵn sàng “bung hàng” và chiếm lĩnh thị phần khi dịch qua đi.
PV: Về cơ hội đầu tư trong mùa dịch, có ý kiến cho rằng, “có tiền mà đầu tư bắt đáy thị trường ở thời điểm hiện tại là cơ hội ngàn vàng”, ông nhìn nhận như thế nào. Theo ông, cơ hội gom đất chờ thị trường “tỉnh giấc” có dành cho mọi nhà đầu tư?
Ông Lâm Hoàng Đăng: Thị trường đang khó khăn do dịch bệnh kéo dài nhưng không phải đã xuống đáy bởi dịch bệnh chỉ tác động trong ngắn hạn, giá bất động sản chưa có dấu hiệu giảm.
“Cơ hội ngàn vàng” trong đầu tư bất động sản không phải doanh nghiệp nào cũng có cơ hội để nắm bắt. Thời điểm thị trường đi xuống cũng chính là lúc nhìn nhận được rõ doanh nghiệp nào là doanh nghiệp có tiềm lực. Và tích luỹ quỹ đất cũng chính là một trong những chiến lược đầu tư dài hạn của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp đầu tư bất động sản lớn, việc gom đất chờ thị trường “tỉnh giấc” không phải đến thời điểm này mới cần thực hiện. Nhiều doanh nghiệp đã tiến hành việc mở rộng quỹ đất từ trước đó nhiều năm.
Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã nhìn trước vấn đề và có những bước chuyển nhanh chóng như Hải Phát, Nam Long và Văn Phú – Invest đã nhanh chóng mở rộng quỹ đất tại nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam như Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Huế, Nha Trang, Vũng Tàu, TP.HCM, Cần Thơ… Đây là “tài sản tích lũy” quan trọng của doanh nghiệp, bổ sung nguồn cung đáng kể khi thị trường bước vào giai đoạn phục hồi.
PV: Về kịch bản thị trường bất động sản sau dịch, ông có những dự báo như thế nào về sự phục hồi cũng như những cơ hội mới của thị trường?
Ông Lâm Hoàng Đăng: Không giống như cuộc khủng hoảng bất động sản 2011 – 2013, sự trầm lắng của thị trường giai đoạn này do dịch bệnh – yếu tố khách quan tác động vào. Do đó, dù thị trường trầm lắng nhưng vẫn có giao dịch, nhu cầu mua nhà vẫn đang hiện hữu. Thời điểm này, các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang phục vụ các khách hàng có nhu cầu thật. Và chính những sản phẩm hợp lý, tối ưu về công năng sử dụng và tránh cho người mua mất thêm chi phí sửa chữa sau khi mua nhà lại được ưu tiên chọn lựa… Thực tế cho thấy hai dự án The Terra – An Hưng và Grandeur Palace – Giảng Võ của Văn Phú – Invest của chúng tôi vẫn phát sinh giao dịch, đồng thời giá nhà vẫn duy trì ổn định, phù hợp với diễn tiến chung của thị trường.
Hệ lụy của dịch bệnh ảnh hưởng đến nền kinh tế không chỉ của Việt Nam mà còn ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế thế giới trong thời gian ngắn. Trong tương lai, kinh tế cũng như thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại. Đặc biệt, bất động sản sẽ là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất khi làn sóng nhà đầu tư mới “đổ bộ” và thị trường bị nén lại đã lâu buộc phải bùng nổ.
– Rất cảm ơn ông về những chia sẻ!
Bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land:
“Bất động sản là vấn đề mang tính dài hơi. Trong ngắn hạn, doanh nghiệp có thể tìm giải pháp tiếp cận khách hàng thuận lợi, phù hợp. Nhưng trong dài hạn, điểm nghẽn về thủ tục hành chính vẫn còn tồn đọng. Nguyên nhân này đã tồn tại từ lâu, khiến doanh nghiệp đã khó khăn, nay còn dễ lao đao trước tác động của Corona. Vậy làm gì để nhịp đập của thị trường bất động sản quay trở lại? Làm gì để sự hoạch định của doanh nghiệp đi vào quỹ đạo ban đầu.
Để đảm bảo sự phát triển đó, cơ quan quản lý cần có giải pháp rõ ràng, có lộ trình tháo gỡ khó khăn cốt lõi cho doanh nghiệp, đó là thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần đánh giá tác động thị trường, khuyến nghị để doanh nghiệp có sức bật. Đây là thời điểm không thể lơ là, không thể tập trung vào những vấn đề ngoài lề mà cần tổng lực giải quyết khó khăn. Hỗ trợ không nhất thiết phải tiền, mà hỗ trợ, tạo sức bật cho doanh nghiệp còn đến từ cơ chế, hành lang pháp lý, thủ tục hành chính.
Liên Hà – Lê Quyên