Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các chính sách, quyết định được ban hành gần đây như gói hỗ trợ 120.000 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, thành lập 5 tổ công tác tháo gỡ đầu tư công, Nghị định 08 về quy định trái phiếu, Nghị quyết 33 về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đã có tác động tích cực về tín hiệu đảo chiều của thị trường.
Theo các chuyên gia chính sách ưu đãi cũng mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp thu hút người mua thực và những nhà đầu tư vốn mỏng tham gia thị trường bất động sản đang bước vào chu kỳ sàng lọc, tập trung vào đáp ứng nhu cầu ở thực. Vì vậy, những chính sách kích cầu từ các doanh nghiệp địa ốc mở ra nhiều cơ hội cho nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng vốn tích lũy nhỏ dễ tham gia thị trường hơn.
Trong đó, các chuyên gia chỉ ra Nghị định 08/2023/NĐ-CP kéo giãn kỳ hạn trái phiếu 2 năm mang tới kỳ vọng sẽ kéo dài thời gian và điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản có thể tháo gỡ các dự án đang vướng pháp lý, chuyển nhượng dự án (M&A) hay tích lũy dòng tiền từ các đợt bán hàng để thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn. Khi niềm tin các nhà đầu tư quay lại cùng với các dự án được tháo gỡ pháp lý thì việc phát hành huy động mới, phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại giúp cho việc thanh toán, thanh khoản dễ dàng hơn.
Theo các chuyên gia phân tích, Nghị định 08 không chỉ giúp giảm tải áp lực cho doanh nghiệp mà còn có thể bảo vệ nhà đầu tư. Đối với các trái chủ không muốn gia hạn 2 năm, Nghị định 08 bảo vệ trực tiếp quyền lợi của họ vì vẫn cho họ quyền chọn lựa chứ doanh nghiệp không được tự ý gia hạn. Với những nhà đầu tư chưa có nhu cầu ngay, doanh nghiệp có thời gian tái cơ cấu, không bán rẻ tài sản, từ đó bảo toàn giá trị tài sản trong thời gian ngắn hạn để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
Đặc biệt, Nghị quyết 33 của Chính phủ yêu cầu ban hành hàng loạt Nghị định sửa đổi bổ sung Luật Đất đai, đầu tư, xây dựng, quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án; quy định rõ ràng trách nhiệm của các bộ ngành và địa phương. Những yếu tố này giúp cho thị trường bất động sản minh bạch hơn, thuận lợi, thúc đẩy nguồn cung hơn, doanh nghiệp có tiền trả nợ, xoay vốn. Mặc dù không thể quyết định toàn bộ yếu tố thanh khoản thị trường nhưng đó là những yếu tố tác động tích cực, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, có sự khác biệt trong quan điểm lần này của Chính phủ được thể hiện ở Nghị quyết 33. Theo đó, tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm, chung tay cùng tháo gỡ khó khăn; nhà ở là phải có người ở, muốn có người ở phải phát triển sản xuất, dịch vụ, hạ tầng; tháo gỡ khó khăn phải đi đôi với kiểm soát rủi ro.
Vừa qua, nhiều ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi với mức giảm phổ biến 0,1-0,6 điểm %. Lãi suất huy động giảm đã tạo điều kiện để các ngân hàng giảm dần lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm (so với cuối năm 2022) và đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân. Tín hiệu về giảm lãi suất được kỳ vọng giúp thị trường bất động sản tăng thanh khoản, tạo xung lực cho thị trường hồi phục và phát triển ổn định trở lại.
Các doanh nghiệp bất động sản cho biết phân khúc bất động sản có giá trị cao, đa phần các khách hàng đều cần tới hỗ trợ về mặt tài chính. Lãi suất giảm sẽ tác động rất nhiều lên quyết định mua nhà của người dân. Với việc “hạ nhiệt” lãi suất, mức độ quan tâm đến các dự án bất động sản có khả năng tăng trở lại, thanh khoản tốt hơn. Tuy nhiên, nhưng sản phẩm được quan tâm không phải đất nền đầu cơ mà là các sản phẩm hướng tới nhu cầu ở thực như nhà ở vẫn sẽ hút dòng tiền.
Những tồn đọng khó gỡ
Nguyên nhân từ phía Nhà nước như một số quy định pháp luật chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; công tác thực thi pháp luật chưa thật hiệu lực, hiệu quả; thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, phức tạp; một số cán bộ công chức sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc, không dám đề xuất, không dám quyết định; chưa phát triển đồng bộ các thị trường vốn, trước hết là thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REITS) và các nguồn vốn xã hội hoá khác, bao gồm nguồn vốn bảo hiểm nhàn rỗi; thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chưa đạt kỳ vọng do thị trường chứng khoán nước ta vẫn còn là “thị trường mới nổi” chưa được chuyển đổi lên “thị trường cận biên”. Từ đó, dẫn đến thị trường bất động sản phụ thuộc quá lớn vào thị trường tín dụng, tiềm ẩn rủi ro cho cả thị trường tín dụng và thị trường bất động sản.
Đồng thời, còn có nguyên nhân từ phía doanh nghiệp chủ đầu tư dự án bất động sản như đầu tư dàn trải, vượt quá năng lực tài chính, có xu hướng chạy theo lợi nhuận đơn thuần, muốn tối đa hoá lợi nhuận, chưa thật sự bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và Nhà nước đại diện cho lợi ích công cộng. Cá biệt có doanh nghiệp chưa tuân thủ pháp luật, có trường hợp vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ phía các nhà đầu tư thứ cấp, nhất là nhà đầu tư lướt sóng, trong đó có giới đầu nậu, môi giới, đầu cơ làm nhiễu loạn thị trường.
Do đó, Hiệp hội bất động sản đề nghị thống nhất quan điểm là không giải cứu thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản, mà chỉ nên hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết. Doanh nghiệp bất động sản phải chủ động tái cấu trúc, tái cơ cấu, giảm giá nhà tương đối và thực chất; đi đôi với xem xét hỗ trợ lãi suất hợp lý cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu để tăng tổng cầu và sức mua trên thị trường. Qua đó, giúp cho doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn và hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, tăng trưởng theo hướng phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững.
Tổng Hợp
(Dân Việt, VnEconomy)