Việc huy động vốn thông qua tổ chức tài chính nước ngoài cần có sự kiểm soát chặt chẽ để không gây tác động đến thị trường ngoại hối.
Phát biểu tại Hội thảo Lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chiều 15/3 tại TPHCM, ông Darryl Dong – Phó giám đốc Quốc gia Việt Nam, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) – nói rằng, để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần một lượng vốn lớn mà các tổ chức tài chính trong nước khó đáp ứng hết. Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa cho phép doanh nghiệp thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn quốc tế.
Ông Darryl Dong đánh giá, trong khi Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng trong thương mại và đầu tư thông qua việc tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) thì việc hội nhập trong các lĩnh vực đầu vào của sản xuất như đất đai, tài chính vẫn còn khá hạn chế.
“Việc hạn chế này làm giảm nguồn tài trợ quốc tế cho các doanh nghiệp Việt Nam và làm tăng chi phí vay vốn của doanh nghiệp, dẫn đến giảm lợi thế cạnh tranh so với doanh nghiệp nước ngoài một cách đáng kể”, ông Darryl Dong nói.
Theo ông Darryl Dong, vấn đề thế chấp bất động sản để huy động vốn từ các bên cho vay nước ngoài hoàn toàn có thể được giải quyết thông qua một cơ chế phù hợp, nhằm giảm thiểu rủi ro phát sinh khi không trả được nợ và phải xử lý tài sản thế chấp cũng như có cơ chế quản lý rủi ro phù hợp.
Nhân cơ hội sửa đổi Luật Đất đai sắp tới, ông Darryl Dong đề xuất cho phép các doanh nghiệp trong nước thế chấp bất động sản trực tiếp tại bên cho vay nước ngoài với một số hạn chế nhất định và việc xử lý tài sản thế chấp hoàn toàn tuân thủ pháp luật trong nước.
Phương thức thứ hai là cho các doanh nghiệp trong nước thế chấp thông qua một tổ chức tín dụng Việt Nam làm đại lý nhận tài sản bảo đảm của bên cho vay nước ngoài. Khi doanh nghiệp đi vay không trả được nợ, tổ chức tín dụng trong nước làm đại lý nhận bảo đảm sẽ xử lý tài sản theo quy định pháp luật và dùng số tiền thu được để trả nợ cho bên cho vay nước ngoài.
Về bất động sản thế chấp nằm trong các khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng hay cần được bảo tồn, ông Darryl Dong cho rằng, rủi ro này có thể được kiểm soát bằng cách đặt hạn chế về loại đất mà quyền sử dụng đất không được đem thế chấp để vay vốn nước ngoài. Ví dụ, không cho phép thế chấp cho bên cho vay nước ngoài với những khu đất gần khu vực quốc phòng, an ninh, đất biên giới, hải đảo…, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong các khu bảo tồn thiên nhiên, văn hóa và quyền sử dụng các loại đất xen kẽ trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Góp ý tại hội thảo, luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM, cho hay các nhà đầu tư đến từ Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đánh giá VN còn tiềm năng phát triển bất động sản (BĐS) và quan tâm đầu tư đến loại hình nhà ở đô thị, khu công nghiệp, logistics, khách sạn nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, các thủ tục pháp lý liên quan đến BĐS rất phức tạp, trở thành rào cản trong việc hút vốn ngoại.
Pháp luật đất đai hiện hành vẫn chưa ghi nhận chính thức về việc doanh nghiệp (DN) VN được phép thế chấp BĐS cho tổ chức kinh tế nước ngoài để có thể vay vốn hoạt động. Theo quy định của dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) thì DN VN có thể thế chấp BĐS cho tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại VN hoặc tổ chức kinh tế khác.
Như vậy có thể hiểu rằng BĐS không được thế chấp tại các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động tại VN hay tại các tổ chức tài chính nước ngoài khác. Vì vậy, nên cho phép thế chấp BĐS để huy động vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Theo LS Nguyễn Văn Hậu, nếu làm được điều này, các DN VN có thêm sự lựa chọn trong các phương thức huy động vốn. Đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay thì nhu cầu đầu tư của các tổ chức nước ngoài đối với BĐS VN là không hề thấp. Nếu nắm bắt chính xác thì DN VN có thể tiếp cận được nguồn vốn cao hơn so với thị trường trong nước, góp phần tạo điều kiện cho thị trường kinh tế và BĐS của nước ta phát triển.
Tổng Hợp
(Tiền Phong, Thanh Niên)